Khoảng 1,2 tỷ giáo dân cùng hàng tỷ người không theo Công giáo đang dồn sự chú ý về Vatican, nơi Mật nghị bầu Giáo hoàng mới sẽ diễn ra trong hôm nay (12/3). Các hồng y đã tập trung ở Vatican trong ngày họp toàn thể cuối cùng. Sau đó 115 đức hồng y sẽ bước vào nhà nguyện Sistine để bỏ phiếu bầu chọn người đứng đầu Vatican kế tiếp.

bau-giao-hoang.jpg
Các hồng y đã tập trung ở Vatican trong ngày họp toàn thể cuối cùng.

Các đầu bếp, người quét dọn, và tất cả các công nhân ở Vatican sẽ tiếp xúc với các hồng y trong những ngày tới, hôm 12/3 làm lễ tuyên thệ sẽ giữ bí mật về cuộc họp của các hồng y tại nhà nguyện Sistine. Những tấm rèm màu đỏ cũng đã được treo lên cửa sổ của Vương cung thánh đường Thánh Pero, nơi tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện sau Mật nghị Hồng y của 115 hồng y tới từ các giáo phận và tổng giáo phận trên khắp thế giới. Ống khói được lắp đặt trên mái nhà nguyện Sistine, từ đây sẽ bay ra làn khói trắng hoặc khói đen để báo tin về việc liệu đã có tân giáo hoàng hay chưa. Làn khói đen bay ra là dấu hiệu cho biết chưa bầu được giáo hoàng trong khi khói trắng báo hiệu đã có tân giáo hoàng.

Trong một ngày, các Hồng y chỉ được bỏ phiếu tối đa 4 lần và nếu sau 3 ngày mà vẫn chưa chọn được Giáo hoàng, việc bỏ phiếu sẽ bị ngừng lại một hôm để các Hồng y cầu nguyện và thảo luận. Ông Kim Daniels, Giám đốc Đài Tiếng nói công giáo Mỹ cho biết: “Hàng trăm năm trước, để bầu một vị giáo hoàng sẽ phải mất khoảng 3 năm. Các vị hồng y bị khóa trong một căn phòng và chỉ được ăn bánh mỳ, uống nước. Tuy nhiên bây giờ thì không còn chuyện đó nữa. Chúng ta sẽ chỉ giới hạn trong khoảng thời gian 3 ngày, do đó trong tuần này có thể sẽ có kết quả bầu giáo hoàng mới”.

Thách thức với các hồng y là tìm được vị giáo hoàng thứ 266 đủ sức khỏe và năng lực để đảm đương với những khó khăn mà Giáo hội Công giáo đang gặp phải. Theo hãng tin Reuters, người Italy đã nắm giữ ngôi vị giáo hoàng trong nhiều thế kỷ trước khi Giáo hoàng John Paul II, người Ba Lan, được bầu năm 1978. Trong khi đó, với 42% giáo dân trong số hơn 1 tỉ giáo dân toàn cầu, người dân Mỹ Latin hi vọng tân giáo hoàng sẽ là một đại diện đến từ khu vực này, phá vỡ truyền thống lâu nay rằng người châu Âu luôn nắm giữ cương bị này.  

Bà Graciela Pimentel, một giáo dân đến từ Brazil cho biết: “Văn hóa của chúng tôi chính là tôn giáo. Ở Brazil, chúng tôi có một nền văn hóa tôn giáo và rất sùng đạo. Do đó hi vọng chúng tôi sẽ có một vị giáo hoàng Mỹ Latin”./.