Ngày 14/5, cuộc họp không chính thức của Ngoại trưởng NATO đã bắt đầu. Các Ngoại trưởng NATO thảo luận về cách thức tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, cùng với đó là ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đối với an ninh của các quốc gia thành viên NATO.
Về “Khái niệm chiến lược” mới của NATO, đây được coi là tài liệu cơ bản quan trọng bậc nhất của Khối liên minh quân sự này. Khái niệm chiến lược sẽ đề cập một loạt chủ đề như mối quan hệ với các quốc gia như Nga và Trung Quốc, các vấn đề như răn đe và phòng thủ, các thách thức liên quan đến an ninh của khối như tấn công mạng và mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh. Theo Ngoại trưởng Luxembourg, Jean Asselborn, NATO đang hồi sinh sau khi bị cho rằng “chết não” vào năm 2019, nhờ vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Các Ngoại trưởng NATO tiếp tục thảo luận về dự thảo “Khái niệm chiến lược” mới, để trình các nhà lãnh đạo NATO thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 tới tại Tây Ban Nha.
Cuộc họp cũng thảo luận về mong muốn gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan. Đại diện hai quốc gia này đã thông báo cho các Ngoại trưởng NATO về tình hình các cuộc thảo luận ở Thụy Điển và Phần Lan về việc này. Mong muốn gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu đã nhận được sự ủng hộ của đa số các nước NATO. “Thụy Điển và Phần Lan nên gia nhập NATO và nhanh chóng làm như vậy. Tất nhiên, Canada sẽ có một cuộc trò chuyện vui vẻ với các đối tác của mình. Điều quan trọng là chúng tôi đang có sự đồng thuận”, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết
Tuy nhiên, đã có chướng ngại vật, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu - quốc gia quan trọng trong NATO hôm qua tuyên bố: “Người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đại đa số họ phản đối tư cách thành viên NATO của các quốc gia ủng hộ tổ chức khủng bố người Cuốc PKK/ YPG. Người dân yêu cầu chúng tôi đóng băng tư cách của các nước này. Tất nhiên đây là vấn đề chúng tôi cần trao đổi với các đồng minh NATO và những quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển mà các bạn đề cập”.
Cũng liên quan đến vấn đề gia nhập NATO, ngày 14/5, Tổng thống Nga Vladimir đã điện đàm với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto, cảnh báo quan hệ giữa hai nước có thể bị tác động tiêu cực nếu Phần Lan gia nhập NATO. Theo Tổng thống Putin, Phần Lan bỏ vị thế trung lập về quân sự và gia nhập NATO sẽ là sai lầm, “vì an ninh nước này không đối mặt bất kỳ mối đe dọa nào”. Trước đó giới chức Nga nhiều lần cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan về những hậu quả an ninh, kinh tế nếu gia nhập NATO, bởi Nga sẽ coi hai quốc gia này là mục tiêu do bản chất NATO coi Nga là đối thủ./.