Vòng đàm phán hòa bình quyết định tương lai của nhà nước Syria hôm qua (21/3) tiếp tục được triển khai tại Geneva, Thụy Sĩ, tuy nhiên triển vọng sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này vẫn còn chưa rõ ràng khi đến nay các bên vẫn còn những cách biệt lớn trong lập trường giải quyết xung đột.

syria1_qqzt.jpg
Một vòng hòa đàm Syria ở Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Vòng hòa đàm diễn ra tại Geneva kể từ hôm 14/3 vừa qua, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 24/3 và sẽ được nối lại vào đầu tháng 4 tới. Sau một tuần thương lượng, giữa các bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng, trong đó phải kể đến rào cản lớn nhất liên quan tới tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad hay những tranh cãi về kế hoạch tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 4 tới.

Các cuộc đàm phán càng trở nên rối ren hơn giữa lúc cộng đồng người Kurd vừa tuyên bố thành lập hệ thống liên bang tại nhiều tỉnh của Syria - một bước đi được cho là hướng tới sự tự trị. Đây được xem là một thách thức lớn, đe dọa tới triển vọng xây dựng một Chính phủ thống nhất và tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria bởi người Kurd hiện kiểm soát hơn 10% lãnh thổ Syria và 3/4 biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura hôm qua (21/3) khẳng định, chuyển tiếp chính trị phải là một phần trong các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra.

Ông Mistura nói: “Việc chấm dứt chiến sự cần phải được tiếp tục duy trì, thẳng thắn mà nói là cần phải được duy trì trên diện rộng. Dù ít dù nhiều cũng cần tiếp tục các hoạt động viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, cả hai điều này sẽ không thể thực hiện được nếu chúng ta không đạt được tiến triển về chuyển giao chính trị”.

Trước đó một ngày, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho liên minh gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria, kêu gọi Nga hối thúc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc về tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria.

Nga đang đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết xung đột tại Syria. Hiện Nga cũng đã rút phần lớn các máy bay chiến đấu khỏi quốc gia Trung Đông này sau khi đã hoàn thành mục tiêu và tạo điều kiện để các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra ở Geneva đạt được kết quả.

 Hiện, dưới sự phối hợp hoạt động của Nga và Mỹ, thỏa thuận ngừng bắn đang được thực thi trên lãnh thổ Syria. Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga hôm qua (21/3) đề xuất tổ chức cuộc họp khẩn với các đại diện của Mỹ nhằm thống nhất về cơ chế kiểm soát lệnh ngừng bắn tại Syria, đồng thời tuyên bố sẽ hành động đơn phương bắt đầu từ ngày 22/3 nếu không nhận được phản hồi.

Cùng ngày, Văn phòng báo chí điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đã có cuộc điện đàm, nhất trí phối hợp nghiên cứu chi tiết các vấn đề của Syria, đặc biệt là tình hình viện trợ nhân đạo.

Hai nhà lãnh đạo đều nhận định rằng, tất cả các bên tham gia xung đột Syria phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tại đây bởi nó là tiền đề cho tiến trình chính trị toàn diện ở Syria diễn ra dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc./.