Tổng thống Joko Widodo ngày 5/1 tuyên bố ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 vào ngày 13/1 tới đây, nhưng vaccine Sinovac của Trung Quốc vẫn đang đợi sự chấp thuận của Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm cũng như Hội đồng Hồi giáo nước này, đặc biệt là vấn đề vaccine halal dành cho người đạo Hồi.
3 triệu liều vaccine Sinovac từ Bắc Kinh chuyển đến Jakarta đã được phân phối đến tất cả các tỉnh trên toàn Indonesia trong tuần vừa qua và đang đợi cấp phép tiêm chủng. Ông Bambang Heriyanto, người phát ngôn của công ty dược phẩm Indonesia, Bio Farma, nơi đang bào chế vaccine Sinovac từ nguyên liệu thô do Trung Quốc cung cấp khẳng định, không có chất độc hại nào trong vaccine Sinovac – loại được sử dụng trong chương trình tiêm chủng để ngăn ngừa dịch Covid-19 tại Indonesia.
Tuy nhiên hiện tại, cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm nước này vẫn đang nghiên cứu về tính an toàn của của vaccine trước khi tiến hành tiêm chủng mở rộng. Vaccine cũng phải trải qua một quy trình phê duyệt riêng biệt bởi Hội đồng Hồi giáo Ulama Indonesia (MUI), một nhóm các giáo sĩ có ảnh hưởng quyết định sản phẩm nào là “halal” ở Indonesia. Bởi chỉ 1 lượng DNA nhỏ từ lợn cũng có thể ngăn cản việc tiêm vaccine cho người dân Indonesia phần lớn là theo đạo Hồi.
Trong cuộc họp ngày 4/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định: “Không cần phải lo lắng về việc liệu vaccine này có phải là halal hay không. Chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Covid-19”.
Chính quyền Hồi giáo ở các quốc gia khác nơi người Hồi giáo chiếm một phần lớn dân số (bao gồm Malaysia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) đã ra phán quyết rằng vaccine Covid-19 được phép sử dụng, ngay cả khi có chứa gelatin thịt lợn. Tháng trước, Tòa thánh Vatican cũng ra tuyên bố vaccine Covid-19 “được chấp nhận về mặt đạo đức” đối với người Công giáo, những người nhiều thập kỷ trước phản đối vaccine được phát triển bằng tế bào gốc từ bào thai bị phá bỏ.
Tuy nhiên, người dân Indonesia vẫn đang chờ đợi các nhà lãnh đạo tôn giáo cung cấp sự đảm bảo cho vaccine halal. Kể cả khi, Hội đồng Hồi giáo Ulama Indonesia ban hành quyết định cho phép sử dụng vaccine Sinovac trong những tuần tới, nhưng nếu vaccine không halal có thể sẽ ảnh hưởng đến mức độ chấp nhận rộng rãi ở Indonesia, đặc biệt là đối với nhiều người Hồi giáo bảo thủ trong nước.
Trong đợt bùng phát dịch sởi năm 2018, Chính phủ Indonesia với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới đã thực hiện một chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng loại vaccine duy nhất có đủ số lượng lại chứa gelatin lợn. Sau khi nghiên cứu, Hội đồng Hồi giáo Ulama Indonesia tuyên bố vaccine này là không halal, nhưng được phép sử dụng vì đợt bùng phát dịch là trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, ở một số vùng của đất nước, các nhà lãnh đạo Hồi giáo địa phương phản đối việc sử dụng vaccine không halal. Chương trình này đã không đạt được mục tiêu 95% và kết quả là gần 10 triệu trẻ em không được tiêm chủng. Chỉ 72% nhóm đối tượng được tiêm chủng.
Hiện nay, Indonesia ghi nhận gần 800.000 ca mắc và hơn 23.000 trường hợp tử vong do Covid-19. Để khuyến khích việc tiêm chủng vaccine Covid-19 rộng rãi, Chính quyền Indonesia đã thông qua luật mới xử phạt những người từ chối tiêm chủng. Dự kiến ngày 13/1 tới, sau khi được cấp phép, Tổng thống Indonesia sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19.
Từ ngày 14-15/1 việc tiêm chủng miễn phí toàn dân sẽ diễn ra, ưu tiên cho các nhân viên y tế và lực lượng an ninh. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng 2/3 dân số trong 1 năm để đạt miễn dịch cộng đồng.
Hiện nay, Indonesia đã đặt hơn 400 triệu liều vaccine Covid-19 từ các công ty quốc tế khác nhau nhưng hầu hết vẫn dựa vào Sinovac của Trung Quốc, loại vaccine duy nhất đã đến Indonesia cho đến thời điểm này. Từ trong nước, công ty dược phẩm Bio Farma có kế hoạch sản xuất 122,5 triệu liều bổ sung sử dụng nguyên liệu thô do Sinovac cung cấp./.