Hình ảnh hàng trăm người nhập cư chen chúc, xô lấn tại nhà ga Keleti, thủ đô Budapest tìm cách trèo lên chuyến tàu cuối ngày từ Hungary sang Đức đã cho thấy bức tranh sinh động nhất về cuộc khủng hoảng nhập cư được xem là nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. 

02migrants_web1_articlelarge_xbok.jpg
Một người tị nạn mất kiểm soát, tìm cách để lên chuyến tàu cuối ngày từ Hungary sang Đức. (ảnh: New York Times)

Bất lực và hoàn toàn mất kiểm soát, cảnh sát Hungary đã buộc phải phong tỏa nhà ga này. Dù hoạt động nhà ga đã được khôi phục, song người nhập cư vẫn bị cấm tiếp cận. 

Trong khi đó tại khu vực biên giới với Serbia, dù hàng rào thép đã được dựng nên, song hàng chục người nhập cư đêm qua vẫn lợi dụng bóng tối để tìm cách vượt qua khu vực biên giới vào Hungary. Cũng trong ngày 1/9, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết đã cứu sống được hơn 200 người nhập cư bị nhét chật cứng trên 2 chiếc tàu ngoài khơi Libya.

Theo các số liệu thống kê, từ đầu năm đã có hơn 350.000 người đã chấp nhận mạo hiểm cuộc sống để vượt Địa Trung Hải và hơn 2.500 người đã bỏ mạng ngoài biển  trên hành trình đến miền đất hứa châu Âu.

Trước gánh nặng nhập cư mà những nước như Hungary, Serbiahay Hy Lạp đang phải hứng chịu, dự kiến ngày 9/9 tới, Ủy ban châu Âu sẽ công bố  kế hoạch hành động chung của khối nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này, trong đó đề ra những đường hướng chính nhằm phân bổ phân bổ hạn ngạch người nhập cư giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu, cũng như thúc đẩy cơ chế trục xuất những người không đáp ứng được các tiêu chuẩn tiếp nhận tại châu Âu. Những biện pháp đề xuất này sau đó sẽ được gửi tới Bộ trưởng Nội vụ 28 nước thành viên tại cuộc họp khẩn diễn ra vào ngày 14/09 tới.   

Theo đề xuất của  Ủy ban châu Âu, 40.000 người xin tị nạn tại Italy và  Hy Lạp sẽ được phân bổ tại những nước thành viên khác và 20.000 người tị nạn khác cũng được tiếp nhận tại Liên minh châu Âu, giống như đề xuất mà Ủy ban châu Âu đưa ra hồi tháng 5 vừa qua.  

Khi đó, chính phủ các nước thành viên đã bác bỏ  ý tưởng hạn ngạch nhập cư bắt buộc và muốn một hệ thống mang tính tự nguyện, song mong muốn này lại rất khó được cụ thể hóa, bởi không phải quốc gia nào cũng sẵn lòng mở cửa cho người nhập cư.

Ngoại trưởng Hungary ngày 1/9 đã một lần nữa nhấn mạnh, nước này không ủng hộ hệ thống phân bổ hạn ngạch người nhập cư trong Liên minh châu Âu. Hệ thống này sẽ chỉ khuyến khích sự gia tăng người nhập cư tới châu lục này và tạo điều kiện cho các đối tượng vận chuyển người hoạt động: “Thực tế đang chứng minh rằng, một số các nhà lãnh đạo châu Âu đang đi ngược lại các giá trị và lợi ích của châu Âu khi xử lý các thách thức về người nhập cư có liên quan. Một điều có thể thấy là chính sách dựa trên hạn ngạch về người nhập cư đang thất bại bởi nó chỉ khuyến khích các kẻ vận chuyển người và những người nhập cư tới châu Âu”.

Trong khi đó, Đức và Pháp lại chỉ trích thái độ của một số nước châu Âu đang tìm cách ngăn chặn người nhập cư. Những nước này cho rằng, việc đóng cửa biên giới với người nhập cư là đi ngược lại các giá trị của chung mà Liên minh châu Âu này theo đuổi trong suốt hơn 50 năm qua. 

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: “Đây đều là những người đã phải chịu những áp lực quá lớn về chính trị và phải sống trong những đất nước có chiến tranh, vì thế chúng ta cần phải tiếp nhận họ. Tức là cần phải giải quyết các yêu cầu xin tị nạn. Hungary là một phần của châu Âu, châu Âu có những giá trị mà các nước thành viên cần phải tôn trọng.”  

Vậy đâu thực sự là các giá trị mà Liên minh hơn 50 năm tuổi này đang theo đuổi?  Theo các nhà phân tích, một khi tìm ra được lời giải cho bài toán khó nhập cư này cũng là lúc châu Âu tìm ra được các giá trị thực sự của mình và cũng chứng minh được tính thống nhất của khối.

Ủy viên châu Âu về nhập cư và vấn đề nội khối Dimitris Avramopoulos cho biết, ông có niềm tin mạnh mẽ rằng, dù vẫn còn nhiều bất đồng, nhiều khả năng các nước sẽ đạt được thỏa thuận về việc phân bổ hạn ngạnh tiếp nhận người nhập cư.

Bởi theo ông, sửa đổi các quy tắc của không gian tự do đi lại Schengen là điều không thể. Châu Âu sẽ phải tìm ra được một giải pháp dung hòa giữa kiểm soát và tự do đi lại và nếu lúc này không hành động thì châu Âu sẽ còn phải đối mặt với những nguy cơ lớn hơn./.