Cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu ngày càng nghiêm trọng khi cảnh sát Áo hôm 27/8 đã tìm thấy 71 thi thể trong một chiếc xe tải đậu gần khu vực biên giới giáp với Hungari, trên một trong những tuyến đường di cư chính từ Đông Âu sang Tây Âu trong khi hai tàu chở người di cư lậu hướng sang châu Âu cùng ngày đã chìm ở ngoài khơi Libya, khiến khoảng 300 người chết và mất tích.

xe_tai_gncw.jpg
 Tìm thấy 71 thi thể người tị nạn trong một chiếc xe tải. (ảnh: AFP)

Những thảm kịch này đang khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu tìm cách giải quyết.

Vấn đề người nhập cư là chủ đề chính trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ba Lan Andrei Duda và Tổng thống Đức Joachim Gauck vào hôm qua tại Berlin. Tổng thống Đức Joachim Gauck một lần nữa đề nghị chính phủ Ba Lan sớm ủng hộ các thỏa thuận có tính ràng buộc về việc tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu.

 “Chúng tôi muốn thấy châu Âu thống nhất về chính sách những người tỵ nạn. Chính phủ Đức đang nỗ lực để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tỵ nạn tại châu Âu. Chúng tôi không nghĩ rằng đây là một vấn đề của riêng từng quốc gia mà là vấn đề chung của cả châu Âu. Tôi nghĩ các thành viên cần phải đóng góp giải quyết vấn đề này. Do đó chúng tôi kêu gọi một thỏa thuận có tính ràng buộc về việc tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu.”

Trong khi đó, ông Duda cho rằng, Ba Lan đang phải gánh chịu nhiều tổn thất kinh tế do cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia láng giềng Ukraine cũng như bản thân Ba Lan đang phải tiếp nhận làn sóng người tị nạn lớn từ Ukraine nên nước này không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn từ Syria hay các nước Tây Balkan.

 “Vì vậy khi chúng tôi nói đến sự đoàn kết của châu Âu,  thì cần phải xem xét khả năng  của các đối tác châu Âu như Ba Lan. Việc tiếp nhận người tỵ nạn cần phải tính đến khả năng của mỗi nước”.

Ông Duda kêu gọi cần có các giải pháp hiệu quả xử lý tận gốc nguyên nhân của làn sóng tị nạn ở các nước xuất phát điểm cũng như các băng nhóm tội phạm buôn người.

Cùng ngày, tại buổi hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Lars Rasmussen tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao những nỗ lực của Đan Mạch trong xử lý vấn đề người tị nạn và khẳng định Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Đan Mạch để giải quyết chủ đề nóng này.

Cũng trong ngày 28/8 Tổng thống Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi chính phủ các nước cần phải hành động ngay đối với cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu: “Tôi kinh hoàng và đau lòng khi những người tị nạn và người di cư bỏ mạng tại Địa Trung hải, châu Âu và các nơi khác nữa. Chúng ta thấy thảm kịch mới nhất là số phận nghiệt ngã của hơn 70 người bị chết ngạt trong một chiếc xe tải ở Áo. Ngoài ra nhiều người khác cũng bị bỏ mạng tại Địa Trung Hải”.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang bị choáng ngợp trước làn sóng di cư quá ồ ạt. Chỉ riêng tháng trước đã ghi nhận con số kỷ lục 107.000 người vượt biên giới vào Liên minh châu Âu. Tuần trước, cảnh sát Macedonia nỗ lực nhưng không ngăn chặn người di cư tràn vào nước này, dẫn đến tình trạng hỗn loạn. 

Hôm 26/8, cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc cho biết mỗi ngày có khoảng 3000 người đi từ Hy Lạp sang Macedonia trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Mới hôm 27/8, hai con tàu chở khoảng 500 người di cư bị lật úp ở ngoài khơi Libya, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Cảnh sát mới vớt được 82 thi thể, cứu được gần 200 người, còn hàng trăm người khác đang mất tích.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế, gần 300.000 người đã vượt qua Địa Trung Hải trong năm nay, trong đó hơn 2.300 người thiệt mạng nửa đường, cao gấp gần 300 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh chính sách biên giới chung của Liên minh châu Âu  ngày càng rối loạn, các quốc gia thành viên đang tự giải quyết vấn đề này. Hungari dựng một tường rào mới dọc biên giới với Serbia, cho dù số người tị nạn tràn qua tuyến đường này đã giảm trong tuần qua./.