Ngày 3/9, dù đang trong chuyến thăm Mông Cổ, song Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn thể hiện thiện chí giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine khi công bố kế hoạch 7 điểm nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu hiện nay, đồng thời cho rằng, một thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Ukraine và các lực lượng ly khai có thể đạt được ngay trong ngày hôm sau (4/9). 

mongolia_russia_jsbd.jpegTổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh AP)

Đặc biệt, thỏa thuận yêu cầu các bên tham chiến ngay lập tức chấm dứt các hành động có thể làm leo thang căng thẳng và tiến hành trao đổi tù nhân.

Tổng thống Putin nói: “Các bên tham chiến tại Ukraine cần ngay lập tức thỏa hiệp và thực hiện kế hoạch hành động do Nga đề xuất. Điểm đầu tiên trong kế hoạch này là các nhóm vũ trang tại miền Đông phải chấm dứt các chiến dịch và các đơn vị quân đội Ukraine cũng phải rút khỏi khu vực để không có thêm người vô tội thiệt mạng nữa”.

Tuy nhiên, những bước đi tưởng như tích cực này lại không có nhiều tác động làm thay đổi cục diện tại Ukraine. Bởi, chỉ vài giờ sau thông cáo của phủ Tổng thống Ukraine khẳng định những tuyên bố của Nga, thì đến tối qua, lập trường của  nước này đã hoàn toàn thay đổi.

Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã bác bỏ kế hoạch giải quyết khủng hoảng của Nga. Theo ông, kế hoạch mới này là nhằm che mắt cộng đồng quốc tế trước thềm Hội nghị cấp cao Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và để “thoát khỏi” các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu dự kiến sẽ thông qua nhằm vào Nga trong những ngày tới.

Tại Hội nghị Cấp cao diễn ra ngày 4/9 tại Anh, NATO dự định thông qua một kế hoạch sẵn sàng hành động nhằm đáp trả “thái độ” của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, mà một số nước thành viên coi là mối đe dọa trực tiếp.

Trong vài ngày tới, NATO cũng dự định triển khai hàng nghìn binh sĩ thuộc tất cả các lực lượng bộ binh, không quân và hải quân với sự yểm trở của các lực lượng đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine.

Theo tờ Thời báo New York, NATO muốn thành lập một lực lượng gồm 4.000 quân có khả năng phản ứng nhanh trong 48 giờ, với sự hỗ trợ của một số nước thuộc Liên Xô trước đây, trong đó có Ba Lan.

Trong lúc này, Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục tỏ ra hoài nghi khi cho rằng hiện còn quá sớm để hi vọng về một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Ukraine. Liên minh châu Âu hôm qua đã tỏ ra thận trọng khi cho rằng, nếu những lệnh ngừng bắn mới này được xác nhận, thì đây sẽ là một bước đi tích cực, song Liên minh châu Âu vẫn cần có thêm thông tin và thời gian để kiểm chứng.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói: “Chúng tôi đã nhận được những thông tin khẳng định, một lệnh ngừng bắn đang được thảo luận. Điều này đã mang lại một chút hi vọng cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Dẫu vậy, chúng ta chỉ có thể kiểm chứng trong vài ngày tới khi nó được xác nhận trên thực địa, khi các bên hạ vũ khí.”

Cùng với đó, Liên minh châu Âu tiếp tục gia tăng sức ép với Nga. Nhóm họp từ hôm qua tại Brussels, Bỉ, khối này đang thảo luận các biện pháp trừng phạt bổ sung với Ukraine.

Các nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, đây là một đòn mạnh giáng vào Tổng thống Putin và đặc biệt trong đó có khả năng tẩy chay World Cup dự kiến diễn ra tại Nga vào năm 2018.

Ngày 3/9, Chính phủ Pháp cũng bất ngờ thông báo quyết định hoãn bàn giao tàu chiến Mistral đầu tiên trong hai chiếc đã ký hợp đồng bán cho Nga, khả năng mà nước này nhiều lần bác bỏ.

Theo Chính phủ Pháp, nước này hoãn bàn giao tàu chiến cho Nga bởi chưa có điều kiện thích hợp khi mà cuộc khủng hoảng ở Ukraine càng trở nên căng thẳng hơn.

Ngay từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát hồi tháng 4/2014, Ukraine và phương Tây đã khăng khăng cáo buộc Nga tìm cách gây bất ổn Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập.

Những diễn biến dồn dập những ngày qua một lần nữa cho thấy cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng giữa các bên liên quan. Chính điều này đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng khi làm "cực đoan hóa" lập trường của các bên và khiến họ không chịu ngồi vào bàn đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình./.