TheoWashington Post, ngày 4/9, các quan chức Pháp cho biết, nước này sẽ không bàn giao chiếc tàu chiến đổ bộ lớp Mistral đầu tiên mà Nga đặt hàng từ Pháp trong thỏa thuận mua vũ khí trị giá 1,7 tỷ USD, để thể hiện sự phản đối các hành động gây hấn của Nga tại miền Đông Ukraine.

article_lead_wide6103932710ca9s1409797137699_jpg_620x349_zgkw.jpg Chiếc tàu chiến đổ bộ lớp Mistral do Pháp sản xuất theo đơn đặt hàng của Nga trong một đợt thử nghiệm (Ảnh AFP)

Trong một tuyên bố, các quan chức Pháp cho biết họ đánh giá tình hình ở Ukraine là “nghiêm trọng” và các hành động của Nga có thể làm ảnh hưởng xấu tới an ninh cho châu Âu.

Tuyên bố này không nói rõ liệu Pháp có cung cấp tàu chiến cho Nga trong tương lai không. Tuy nhiên, tuyên bố có nói đến việc các điều kiện để thực hiện điều này vẫn chưa được đáp ứng, mà nhiều khả năng, điều kiện đó là một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine.

“Những hành động gần đây của Nga ở miền Đông Ukraine là trái với những nền tảng an ninh của châu Âu”, tuyên bố cho biết.

Quyết định trên của Pháp là một sự thay đổi bất ngờ khi mới chỉ cách đó 2 ngày, Pháp thông báo họ sẽ hoàn tất vụ mua bán này. Pháp đã phải chịu sức ép rất lớn buộc nước này phải dừng việc bán vũ khí Nga, đặc biệt sau khi NATO công bố việc Nga gửi hàng nghìn binh sĩ và các trang thiết bị quân sự vào Ukraine.

Các quan chức Pháp đã mất nhiều năm để thực hiện việc bán vũ khí khi vượt qua Đức và Tây Ban Nha để đạt thỏa thuận bán tàu chiến cho Nga. Từ trước khi Nga có những động thái quân sự tại Ukraine, các quan chức Mỹ và Đông Âu đã phản đối thỏa thuận này và cho rằng việc hỗ trợ cho hải quân Nga là một ý tưởng tồi. Và trong thời gian gần đây, những lời chỉ trích đã lên tới đỉnh điểm.

Tuy nhiên, các quan chức Nga tỏ ra xem nhẹ quyết định này của Pháp.

Washington Post dẫn lời của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Yuri Borisov trong một tuyên bố với RT cho biết: “Đây không phải là một bi kịch, mặc dù tất nhiên, tin tức này cũng không vui gì. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch trang bị vũ khí của chúng tôi… Chúng tôi sẽ hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và các điều khoản của hợp đồng”.

Mới đây, Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với Nga nhằm phản đối các hoạt động của Nga tại Ukraine.

Tuy nhiên, ngày 3/9, một quan chức cấp cao của Đức cho biết, Liên Minh châu Âu có thể rút lại các biện pháp trừng phạt nếu như chính quyền Ukraine và phe đối lập đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại cuộc đàm phán ở Belarus vào ngày 5/9./.