Thủ tướng Mykola Azarov một mặt để ngỏ khả năng Ukraine sẽ ký Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu vào năm sau, mặt khác tuyên bố, vào tháng tới, nước này sẽ bắt đầu đối thoại với Nga về một lộ trình cải thiện mối quan hệ hợp tác song phương.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ngày 26/11 cho biết, nước này sẽ ký kết Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu khi được đảm bảo các điều kiện thuận lợi về kinh tế.

tong-thong-ukraine1.jpg
Tổng thống Ukraine Yanukovych (Ảnh: AP)

Theo Tổng thống Yanukovych, để triển khai các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu trong toàn bộ nền kinh tế, Ukraine cần có ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm từ nay cho đến năm 2017. Trong khi việc ký Hiệp định liên kết trên không bảo đảm triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu và cơ hội tiếp cận các quỹ của liên minh này.

Trong bối cảnh đó, lời đề nghị viện trợ 610 triệu euro của Liên minh châu Âu "chẳng thấm vào đâu", đặc biệt khi nó lại đi kèm với những điều kiện “quá ngặt nghèo” mà khoản vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đặt ra cho Ukraine, trong đó có việc tăng giá bán khí đốt sinh hoạt cho người dân và trì hoãn các chi trả lương và lương hưu.

Tổng thống Yanucovych nhấn mạnh, Ukraine không thể bị “mua chuộc” bởi những lời đề nghị như vậy: “Chúng tôi không bao giờ chấp nhận điều kiện mà Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn con đường riêng của mình và làm tất cả những gì có thể để đất nước này vững mạnh hơn về mặt kinh tế. Khi những thỏa thuận với Liên minh châu Âu phù hợp với lợi ích của Ukraine và đi kèm với những điều kiện bình thường thì chúng tôi sẽ xem xét ký thỏa thuận đó. Tôi vẫn mong điều này sớm diễn ra”.

Tổng thống Yanucovych nhấn mạnh, Ukraine không muốn là một thành viên nghèo trong Liên minh châu Âu khi phải "chìa tay" xin các nước xung quanh, đồng thời cho rằng, lợi ích quốc gia là nền tảng của bất kỳ quyết định nào mà chính phủ nước này đưa ra.

Ông Yanucovych khẳng định vẫn tham dự Hội nghị cấp cao "Đối tác phương Đông" diễn ra từ ngày 28-29/11 tại Vilnius, nhưng sẽ không thay đổi đường lối hội nhập Liên minh châu Âu của đất nước. 
Phản ứng trước quyết định của Ukraine, nhiều quan chức Liên minh châu Âu cho rằng, trong nhiều năm tới Ukraine khó có cơ hội mới ký kết Hiệp ước liên kết với Liên minh châu Âu vì vào năm 2014, thành phần Ủy ban châu Âu sẽ có nhiều thay đổi và năm 2015, Ukraine tiến hành bầu cử Tổng thống mới.

Phát biểu tại thủ đô Kiev ngày 26/11, Chủ tịch Quốc hội Latvia Loreta Grauziniene cho biết: “Tôi tin rằng Ukraine sẽ là một phần của Liên minh châu Âu nhưng đây sẽ là một con đường khó khăn. Vì lợi ích cho thế hệ tương lai, Ukraine nên làm tất cả những gì có thể để gia nhập Liên minh châu Âu”./.