Sắc lệnh cũng yêu cầu chính phủ xem xét quyết định đóng cửa tạm thời biên giới phía Đông với Nga nhằm ngăn chặn Nga “can thiệp” và các vấn đề của Ukraine. Sắc lệnh của ông Poroshenko nêu rõ văn kiện này được ban bố liên quan tới việc Nga tiếp tục can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ukraine.
Theo sắc lệnh, hướng chính trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng là đảm bảo khả năng sẵn sàng của các cơ quan sức mạnh, nền kinh tế và xã hội ngăn chặn sự xâm lược vũ trang chống lại Ukraine. Lợi ích quốc gia ưu tiên của Ukraine là tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Sắc lệnh giao nhiệm vụ nội các soạn thảo khẩn cấp và trình Tổng thống dự thảo luật về việc Ukraine từ bỏ chính sách không liên minh. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thông báo về việc chuyển nền kinh tế sang hoạt động trong những điều kiện của giai đoạn đặc biệt. Sắc lệnh cũng chỉ thị giải quyết vấn đề tạm đóng cửa các trạm nhập cảnh trên biên giới quốc gia Ukraine với Nga đối với giao thông trên biển, trên bộ.
Chính phủ cũng phải áp dụng các biện pháp đơn phương cắm mốc biên giới quốc gia giữa Ukraine với Nga cũng như đưa ra các đề xuất về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt và các biện pháp hạn chế khác đối với Nga.
Theo sắc lệnh, Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia có nhiệm vụ trong 2 tháng trình dự thảo sửa đổi học thuyết quân sự của đất nước. Cũng theo sắc lệnh, ngân sách năm 2015 cần tăng chi phí sản xuất và mua vũ khí và phương tiện vật chất kĩ thuật dùng cho quân sự. Một loạt điều trong sắc lệnh vẫn được giữ bí mật.
Trong một động thái liên quan tới mối quan hệ với Nga, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/9, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã đề nghị phương Tây không nới lỏng trừng phạt Nga. Tuyên bố đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu Nga thể hiện trách nhiệm đằng sau một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk cũng nhấn mạnh, cần có các biện pháp ngắn hạn, trước mắt để đối phó với Nga bên cạnh các biện pháp trừng phạt: “Một số người có thể nói rằng, Nga không quan tâm đến các lệnh trừng phạt. Điều đó không đúng. Có thể Nga không quan tâm đến các lệnh trừng phạt, nhưng họ thực sự quan tâm đến việc đồng rúp giảm giá, dự trữ ngoại tệ giảm hay, về lạm phát tăng cao. Trừng phạt là cấp độ hiệu quả, nhưng đó là biện pháp trung hạn và dài hạn. Chúng ta cần có giải pháp nhanh chóng trước mắt”.
Thủ tướng Yatsenyuk cũng đề cập các lựa chọn mà Ukraine phải đối mặt, trong đó có cả lựa chọn quân sự, và cả tiến trình hòa bình. Theo ông, quân sự là một lựa chọn khó khăn, trong khi nhấn mạnh, tiến trình hòa bình cần phải có sự tham gia của cả Mỹ, Liên minh châu Âu, Ukraine và Nga. Thủ tướng Yatsenyuk nêu rõ Nga phải tôn trọng "tất cả các điểm" trong thỏa thuận hòa bình vốn đã trao quyền tự trị cho miền Đông Ukraine./.