Trước thông tin này, các nhà phân tích chính trị và quân sự cho rằng Ukraine sẽ phải mất nhiều năm cùng với hàng trăm triệu USD và một quyết tâm lớn mới đạt được mục tiêu này.

vu_khi_hat_nhan_ukraine_pann.jpgBom hạt nhân phát nổ tạo hình nấm (ảnh: Pixabay)
Trong một cuộc họp báo ở Kiev, Bộ trưởng Ukraine Valery Geletey nói: “Nếu ngày nay chúng ta không tự vệ được, nếu thế giới chẳng giúp gì được cho chúng ta, thì chúng ta buộc phải quay trở lại với việc chế tạo vũ khí này, thứ vũ khí giúp chúng ta tự vệ trước nước Nga”.

Tuy nhiên ông Valery Geletey cũng nêu rõ là ngay thời điểm này Ukraine chưa có kế hoạch thay đổi vị thế hạt nhân của mình.

Phản ứng trước tuyên bố của ông Valery Geletey, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin phụ trách về các chương trình vũ khí quốc gia đã đưa ra những lời bình luận chế giễu trên mạng Twitter.

Ông Rogozin viết: “Tôi đã nghe chuyện con khỉ và quả lựu đạn. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe đến chuyện con khỉ mơ về một quả bom hạt nhân”.

Nhưng về dài hạn, liệu tham vọng hạt nhân của Ukraine có khả thi?

Cái giá ngoại giao

Thời điểm Ukraine giành lại độc lập vào năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ, nước này ở vào thế sở hữu một kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới. Vào tháng 6/1996, Ukraine đã chuyển giao tất cả các đầu đạn hạt nhân của mình cho Nga và chấp nhận tham gia vào Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân.

Việc Ukraine tham gia vào Hiệp ước này là nhờ có các đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ từ các nước Nga, Mỹ và Anh khi họ ký kết Bản ghi nhớ Budapest năm 1994.

Đầu năm nay, một số nghị sĩ quốc hội Ukraine lập luận: Việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 đã vô hiệu hóa Bản ghi nhớ Budapest, và vì vậy Ukraine cũng có thể từ bỏ các nghĩa vụ trong Hiệp ước NPT.

Một nhà làm luật tên là Sergei Kaplin tuyên bố quốc gia Ukraine có thể chế một vũ khí hạt nhân trong vòng 2 năm với chi phí 3,4 tỷ USD.

Một quốc gia có thể rút khỏi NPT trong trường hợp có những biến cố đặc biệt đe dọa các lợi ích tối thượng của nước đó. Cho đến nay, đất nước duy nhất thực hiện điều này là CHDCND Triều Tiên. Còn các nước như Ấn Độ, Pakistan, Nam Sudan và Israel thì không phải là các bên tham gia ký kết NPT.

Pyotr Topychkanov, điều phối viên của chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Trung tâm Carnegie Moscow nói với thời báo Moscow: “Nếu Ukraine đưa ra một quyết định như thế, thì điều đó có nghĩa rằng các đồng minh chính trị hiện nay của họ như Mỹ, EU, và các nước khác sẽ phải bỏ rơi Kiev”.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, ông Topychkanov cho biết: “Không ai ủng hộ Ukraine, cả châu Âu và Trung Quốc. Trên thực tế họ sẽ có nguy cơ bị coi là một quốc gia ‘xỏ lá’…”.

Trở ngại kỹ thuật

Thậm chí nếu Ukraine cứ đường mình mình đi, thì họ cũng sẽ phải mất hàng năm trời, thậm chí là cả 1 thập kỷ để phát triển được 1 vũ khí hạt nhân của riêng mình. Các nhà phân tích cho biết việc này đồng thời sẽ làm cho Ukraine hao mòn các nguồn lực của mình vốn đã khan hiếm.

Tướng Viktor Yesin, cựu tham mưu trưởng Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga nói với Thời báo Moscow: “Vị trí kinh tế của Ukraine hôm nay khiến cho nước này gần như khó có thể tạo ra được một quả bom hạt nhân”.

Ukraine hiện đang sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa Dnepr. Nước này cũng có kho dự trữ uranium và hầm tên lửa. Họ có thể sử dụng 15 lò phản ứng hạt nhân, hầu hết là từ thời Xô viết, để làm giàu uranium, thay cho việc sử dụng các máy ly tâm như Iran.

Theo các chuyên gia hạt nhân, Ukraine sẽ phải tiêu tốn 500 triệu USD để làm được thế.

Nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Ukraine sẽ là chế tạo đầu đạn hạt nhân, mà thời Xô viết chỉ được sản xuất trên lãnh thổ của nước Nga ngày nay, không như các công nghệ nhạy cảm khác nằm rải rác trên lãnh thổ Ukraine.

Tướng Yesin nói: “Ukraine có một số phòng thí nghiệm khoa học ở Kharkov. Họ có tri thức chuyên môn nhưng thiếu phương tiện là các nhà máy”.

Vị chuyên gia nói, về lý thuyết Ukraine có thể tạo ra một quả bom bẩn – một thiết bị kết hợp vật liệu phóng xạ với chất nổ thông thường, nhưng như thế này thì chẳng khác nào Ukraine tự biến mình thành kẻ bị xa lánh trong thế giới hiện đại.

Mục đích chính trị đơn thuần

Nhà phân tích chính trị ở Kiev, Vladimir Fesenko, cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Geletey phải chịu áp lực ngày càng gia tăng sau một loạt thất bại của quân đội nước này trong cuộc chiến với phe nổi dậy thân Nga ở miền Đông.

Ông Fesenko, trưởng Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Penta, nhận định: “Lôi chuyện vũ khí hạt nhân ra là một thủ thuật PR kinh điển, ông ta muốn lái sự chú ý sang một chủ đề hoàn toàn khác và về thực chất là không quan trọng lắm”.

Ý tưởng trang bị vũ khí hạt nhân mà một số chính trị Ukraine phát tán khi này khi khác cho đến nay mới chủ yếu là “võ mồm”, ông Fesenko nói.

Ngoài ra, trước mắt Ukraine cần phải xử lý các mối đe dọa quân sự hiện nay ở biên giới, trong khi một quả bom hạt nhân nếu khả thi thì cũng mất cả một thập niên, ông Topychkanov nói.

Esin nói thêm: “Mọi người không nên quá lo lắng, chẳng qua đấy chỉ là đòn gió mà thôi”./.

>> Xem thêm: Triều Tiên rút khỏi NPT, nắm lấy “bảo kiếm” hạt nhân