Ông Guterres đồng thời quan ngại sâu sắc về việc thế giới chưa đạt tiến triển trong việc tiến tới mục tiêu xây dựng một thế giới phi hạt nhân.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, vào ngày này cách đây 76 năm về trước, vũ khí hạt nhân đã mang lại đau khổ không thể tưởng tượng được cho người dân thành phố Hiroshima, ngay lập tức làm chết hàng chục nghìn người, đồng thời để lại hậu quả lâu dài cho hàng chục nghìn người khác. Liên Hợp Quốc chia sẻ quan điểm về một thế giới phi hạt nhân mang tên Hibakusha – một chủ đề trong nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua chỉ vài tháng sau thảm hoạ Hiroshima, cũng như Hiệp ước về cấm vũ khí hạt nhân, đã có hiệu lực từ ngày 22/1/2021.

Bày tỏ lo ngại về việc chưa đạt tiến triển trong việc hướng tới mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã và đang hiện đại hóa kho vũ khí của họ trong những năm gần đây, làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ông kêu gọi tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân phê chuẩn các biện pháp giảm nguy cơ, cũng như tận dụng Hội nghị rà soát lần thứ 10 của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân để củng cố cam kết về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Theo Tổng thư ký, bảo đảm duy nhất chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân là việc loại bỏ hoàn toàn chúng. Liên Hợp Quốc và cá nhân ông tiếp tục cam kết hoàn toàn với mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Cách đây đúng 76 năm (ngày 6 và 9/8/1945), hai quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người ngay thời điểm đó cùng hàng chục nghìn người tử vong vì các căn bệnh do trực tiếp hoặc gián tiếp phơi nhiễm chất phóng xạ gây ra, mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thế hệ kế tiếp. Sau 76 năm, cái tên Hiroshima và Nagasaki vẫn luôn nhắc nhở thế giới về sự tàn khốc của vũ khí hạt nhân, về cái giá mà người dân vô tội phải trả trong chiến tranh./.