Công ước cấm vũ khí hạt nhân
Từ năm 2010, Chiến dịch Quốc tế Hủy bỏ Vũ khí Hạt nhân (International Campaign to Abolish Nuclear Weapons - ICAN) bắt đầu vận động một số chính phủ nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán về một công cụ ràng buộc pháp lý để cấm vũ khí hạt nhân tại Liên Hợp Quốc. Văn bản của Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân (Treaty on the Prohibition of Nuclear Weapons - TPNW) - cấm sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, dự trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân - đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu ngày 7/7/2017.
Trong số 193 thành viên Liên Hợp Quốc tham gia hội nghị, 69 nước đã không bỏ phiếu, gồm tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và tất cả các thành viên NATO (trừ Hà Lan); 124 nước tham gia bỏ phiếu, với kết quả 122 phiếu ủng hộ, 1 phiếu chống (Hà Lan) và 1 phiếu trắng (Singapore).
Vũ khí hạt nhân, không giống như vũ khí hoá học, vũ khí sinh học, mìn chống người và bom, đạn chùm, vẫn chưa bị cấm một cách toàn diện và toàn cầu. Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 chỉ bao gồm cấm một phần, và các hiệp định khu vực cấm vũ khí hạt nhân chỉ ở một số khu vực địa lý nhất định. TPNW, theo những người đề xướng nó, sẽ tạo thành một "cam kết chính trị rõ ràng" để đạt được và duy trì một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước này được đưa ra nhằm củng cố Điều VI của NPT, đòi hỏi những nỗ lực thiện chí để đàm phán các biện pháp hữu hiệu nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, không giống như một "quy ước vũ khí hạt nhân" toàn diện, nó sẽ không bao gồm tất cả các biện pháp pháp lý và kỹ thuật cần thiết để đạt được mục đích loại bỏ.
Ngày 24/10/2020, Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn, và sau 90 ngày, vào 22/1/2021, TPNW chính thức có hiệu lực. Đây là một bước tiến mới mà những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử và các nhà hoạt động chống hạt nhân rất mong đợi. Hội nghị đầu tiên của các quốc gia thành viên sẽ được tổ chức trong 12 tháng tới, có thể là ở Áo. Hiện có 86 quốc gia ký kết và 51 quốc gia thành viên; Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp ước ngày 17/5/2018.
Sự chống đối không hề nhỏ
Trong khi các quốc gia và khu vực tham gia hy vọng TPNW sẽ tạo động lực cho phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, không có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào ký Hiệp ước, thậm chí họ đã cố gắng ngăn chặn, nhưng không thành công. Một lá thư do AP thu được chứng tỏ chính quyền Trump đã trực tiếp gây áp lực buộc các quốc gia đã phê chuẩn phải rút khỏi Hiệp ước và không khuyến khích các nước khác tham gia, trái ngược với tinh thần hiệp ước.
5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) cũng là các cường quốc hạt nhân, đều phản đối TPNW, khẳng định vũ khí nguyên tử của họ chỉ nhằm mục đích răn đe và họ vẫn ủng hộ Hiệp ước NTP - ngăn chặn việc phát tán các vũ khí hạt nhân sang các nước khác. Các quốc gia hạt nhân khác như Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan cũng từ chối tham gia. Trong khi đó, triển vọng giải trừ hạt nhân giữa hai siêu cường Mỹ và Nga vẫn chưa chắc chắn, mặc dù tân Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố sẵn sàng giải quyết vấn đề này.
Theo Sputnik, NATO phản đối TPNW, tái khẳng định cam kết duy trì và củng cố hệ thống kiểm soát vũ khí, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân. NATO “phản đối hiệp ước này, vì nó không phản ánh bầu không khí an ninh quốc tế đang ngày càng trở nên phức tạp hơn và cũng mâu thuẫn với kiến trúc không phổ biến vũ khí và giải trừ quân bị hiện nay”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga trước đó cho biết, Nga coi việc xây dựng TPNW là một sai lầm - đây là hành động buộc giải trừ hạt nhân một cách nhân tạo và chưa được chuẩn bị. Theo bà, hiệp ước được soạn thảo mà không có sự tham gia của Nga, cũng như các cường quốc hạt nhân khác; phía Nga không thấy được tài liệu này có thể đóng góp thiết thực như thế nào vào quá trình hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Là quốc gia duy nhất từng hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong thời chiến, Nhật Bản có trách nhiệm đi đầu trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Suga cho biết, nước này không có ý định tham gia TPNW (do mối quan hệ an ninh với Mỹ?) đồng thời bày tỏ hoài nghi tính hiệu quả của một hiệp ước mà không được các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như nhiều quốc gia không có vũ khí hạt nhân, ủng hộ; cho rằng, cần phải theo đuổi một lộ trình chắc chắn và thiết thực hướng tới giải trừ quân bị hạt nhân.
Sự ủng hộ mạnh mẽ
Như vũ khí hóa học và sinh học, vũ khí hạt nhân giờ đã bị cấm. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres và Giáo hoàng Francis hoan nghênh TPNW có hiệu lực. Ông Guterres nhấn mạnh: "Hiệp ước là bước đi quan trọng hướng đến mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân và là minh chứng mạnh mẽ ủng hộ các cách tiếp cận đa phương đối với giải trừ quân bị hạt nhân"; là "hiệp ước giải trừ hạt nhân đa phương đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ"; kêu gọi "tất cả các quốc gia cùng nhau thực hiện tham vọng này, nhằm thúc đẩy an ninh chung và an toàn tập thể".
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng "đây là một cột mốc lịch sử, và là một bước đi mà nhiều người chỉ trích vũ khí hạt nhân cũng như những nạn nhân sống sót sau các vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã đấu tranh trong hơn 70 năm để có được". Ông đã kêu gọi Nhật Bản và các nước khác chưa ký TPNW tham dự cuộc họp đầu tiên của các nước ký Hiệp ước.
ICAN là một liên minh quy tụ hàng trăm tổ chức nhân đạo, bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, đấu tranh cho hòa bình và phát triển, tại khoảng 100 quốc gia. Từ 10 năm nay, ICAN vẫn liên tục báo động về nguy cơ của các vũ khí nguyên tử và vận động đòi hủy bỏ loại vũ khí này, do nguy cơ xung đột bằng vũ khí hạt nhân ngày càng lớn. Hôm 6/10/2017, giải Nobel Hòa bình 2017 được trao tặng cho ICAN vì những nỗ lực của liên minh này trong việc chống các vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và Iran đang gây căng thẳng quốc tế.
Theo hãng tin AFP, những nhà hoạt động nhằm giải trừ vũ khí nguyên tử hy vọng là hiệp ước này sẽ không chỉ mang tính biểu tượng (vì không có chữ ký của 9 cường quốc hạt nhân - Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên - những quốc gia đang nắm trong tay 15.000 vũ khí nguyên tử, mà sẽ thúc đẩy những quốc gia sở hữu các vũ khí này phải thay đổi tư duy. Họ có thể phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế, cũng như áp lực chính trị nội bộ.
Hiệp ước cũng sẽ có tác động đáng kể đến các tổ chức tài chính (quỹ hưu trí và ngân hàng) vì TPNW cấm tài trợ cho các hệ thống vũ khí hạt nhân. Giờ đây, họ sẽ phải chọn tán thành hoặc từ chối Hiệp ước mới này - nếu họ quyết định từ chối nó, họ có nguy cơ làm hoen ố hình ảnh của mình và sẽ bị khách hàng tẩy chay. Các cơ quan tài chính của các quốc gia (ví dụ: Đức, Nhật Bản, Hà Lan và Thụy Điển) không ủng hộ TPNW đã đưa ra quyết định hủy đầu tư, chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của Hiệp ước.
Ưu tiên hàng đầu của ICAN là tiếp tục làm cho Hiệp ước trở nên phổ cập nhất có thể bằng cách thu hút được nhiều quốc gia ký và phê chuẩn, tăng ảnh hưởng pháp lý của Hiệp ước. Ở châu Âu, nhờ sự vận động của các đối tác ICAN, số người ủng hộ Hiệp ước ngày càng tăng (ở Phần Lan 84%, ở Bỉ - 77% ủng hộ Hiệp ước), gây áp lực lên chính phủ của họ để ký và phê chuẩn Hiệp ước.
56 cựu Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng từ 20 quốc gia thành viên NATO, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó có cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và hai cựu Tổng thư ký NATO, Javier Solana và Willy Claes, vừa ra thư ngỏ kêu gọi các nhà lãnh đạo đương nhiệm tham gia TPNW. Những người ủng hộ Hiệp ước với gần 600 tổ chức đối tác tại hơn 100 quốc gia, hy vọng các quốc gia chưa tham gia hiệp ước cũng sẽ cảm thấy sức mạnh của nó và mong đợi các công ty ngừng sản xuất vũ khí hạt nhân và các tổ chức tài chính ngừng đầu tư vào các công ty sản xuất vũ khí hạt nhân./.