Ngày 8/5, Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan sẽ công bố quyết định về việc cựu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra có vi phạm pháp luật hay không trong chương trình thu mua thóc gạo của nông dân.

Dư luận chính giới và xã hội Thái Lan lo ngại quyết định của Ủy ban chống tham nhũng có thể sẽ là một trong nhiều nhân tố gây ra những "thảm họa" mới đối với chính trường Thái Lan. 

yingfluck_copy.jpg
Bất chấp phán quyết bất lợi của Tòa án, bà Yingluck vẫn vui vẻ nhận hoa từ những người ủng hộ bà (Ảnh AFP)

Một số chuyên gia chính trị Thái Lan nhận định: Nếu Ủy ban chống tham nhũng cáo buộc bà Yingluck vi phạm pháp luật; có thể những thành viên của Chính phủ liên quan đến chương trình thu mua thóc gạo cũng sẽ bị cáo buộc như bà Yingluck, tương tự như nội dung phán quyết của Tòa án Hiến pháp trong phiên xét xử ngày 7/5.

Thậm chí Ủy ban chống tham nhũng còn có thể quy trách nhiệm đối với toàn bộ Chính phủ, vì chương trình thu mua thóc gạo là một chính sách của Chính phủ do bà Yingluck làm Thủ tướng.

Nếu "kịch bản" này xảy ra, bà Yingluck và Nội các tạm quyền sẽ bị Thượng viện xem xét bãi nhiệm và cấm hoạt động chính trị 5 năm; đồng thời họ cũng sẽ bị Tòa án tối cao xem xét kết tội hình sự.

Điều đó có nguy cơ dẫn tới tình trạng "chân không quyền lực", mở đường cho việc lập Thủ tướng và Chính phủ "lâm thời", theo đúng ý đồ của các lực lượng chống Chính phủ.

Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập tiếp tục gây sức ép đòi Chính phủ tạm quyền từ chức để mở đường cho việc triển khai thực hiện lộ trình "cải cách trước, bầu cử sau" do Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva đề nghị.

Ban lãnh đạo biểu tình do ông Suthep Thaugsuban đứng đầu đã tuyên bố đại biểu tình vào ngày 9/5, sớm hơn dự định 5 ngày, với khẩu hiệu "giành chính quyền về tay nhân dân".

Các động thái nêu trên của phe đối lập hoàn toàn trái ngược với lập trường của phe Chính phủ. Ngay sau khi Tòa án phán quyết bãi nhiệm bà Yingluck và 9 thành viên Chính phủ, đảng Vì nước Thái cầm quyền đã ra tuyên bố không đồng ý với phán quyết này.

Đồng thời, Nội các tạm quyền Thái Lan đã họp phiên đặc biệt cử ông Niwatthamrong Boonsongphaisan làm Quyền Thủ tướng và khẳng định tiếp tục thúc đẩy nhanh tiến trình bầu cử Hạ viện; kiên quyết phản đối việc lập Chính phủ "lâm thời" và ngăn cản bầu cử của phe đối lập.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Mặt trận dân chủ chống độc tài (tức phe áo đỏ) cũng khẩn trương huy động lực lượng tham gia cuộc đại biểu tình vào ngày 10/5 nhằm mục đích đấu tranh chống các thế lực phá hoại nền dân chủ.

Mâu thuẫn tới mức đối kháng về lập trường, quan điểm giữa phe Chính phủ và phe đối lập, kèm theo những động thái gia tăng sức ép lẫn nhau đang làm chia rẽ sâu sắc xã hội Thái Lan, khiến chính trường nước này lún sâu vào khủng hoảng.

Nhiều học giả Thái Lan bày tỏ lo ngại, nếu các phe phái liên quan không tỉnh táo, tìm cách đạt được thỏa hiệp về một giải pháp hòa bình, thì nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực nghiêm trọng sẽ sớm trở thành hiện thực và sẽ là "thảm họa" khôn lường cho đất nước này./.