Ông Abhisit Vejjajiva vừa đề ra một lộ trình 10 điểm, theo đó, toàn bộ Nội các hiện nay từ chức, mở đường thành lập một chính phủ lâm thời để tìm kiếm các biện pháp cải cách, sau đó bầu cử một chính phủ mới nhằm giải quyết tình hình chính trị bế tắc hiện nay.
Ngày 6/5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ xem xét lần cuối các chứng cứ trong vụ kiện bà Yingluck Shinawatra thuyên chuyển Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia sai nguyên tắc năm 2011 và có một tuần để đưa ra các phán quyết liên quan vụ kiện.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong một phiên họp Quốc hội |
Một số nhà phân tích cho rằng, cho dù Tòa án Hiến pháp tuyên toàn bộ Nội các bị mất chức, nhưng vẫn tồn tại một chính phủ tạm quyền do các thành viên mới được bổ nhiệm trong 4 lần cải tổ sau đó không liên quan đến vụ việc.
Hiện Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đang bị sức ép rất lớn trước việc chấp nhận từ chức theo lộ trình mà ông Abhisit Vejjajiva đưa ra hoặc có thể bị mất chức do phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Cả bà Yingluck Shinawatra lẫn Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD hay còn gọi là những người Áo Đỏ) ủng hộ chính phủ đều kêu gọi Tòa án Hiến pháp phải công bằng trong việc xét xử.
UDD còn tuyên bố, nếu Tòa án Hiến pháp áp dụng tiêu chuẩn kép trong xét xử, họ sẽ kéo vào Bangkok để bảo vệ nền dân chủ.
Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra được thành lập qua bầu cử vào cuối năm 2011. Sau nhiều sức ép của lực lượng đối lập với hàng loạt cuộc biểu tình kéo dài, bà Yingluck Shinawatra giải tán Quốc hội, tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 2/2/2014.
Tuy nhiên, sau đó cuộc tổng tuyển cử bị Tòa án Hiến pháp tuyên vô hiệu lực và một cuộc tổng tuyển cử lại dự kiến diễn ra vào ngày 20/7 tới./.