Hôm nay (30/6), sau 212 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, bang Nam Australia vừa xác nhận 5 trường hợp đầu tiên và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tăng cường đã được chính quyền bang này ban hành. Như vậy cho đến nay, đợt bùng phát dịch mới đã được ghi nhận tại 6 trên tổng số 8 bang và vùng lãnh thổ của Australia, ngoại trừ bang Tasmania và Lãnh thổ thủ đô Canberra.
Trong số các địa phương đang có ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, bang có dân số đông nhất tại Australia là New South Wales hiện có số ca nhiễm nhiều nhất. Ngày hôm nay bang này công bố thêm 22 trường hợp lây nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 mắc chủng biến thể Delta trong đợt bùng phát này lên hơn 170 trường hợp.
Tuy là bang có số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất, chủ yếu liên quan đến ổ dịch Bondi nằm ở phía Đông thành phố Sydney, nhưng chính quyền bang New South Wales tin tưởng sẽ sớm ngăn chặn được đợt dịch lần này. Trong tuyên đưa ra vào sáng nay, bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến New South Wales cho rằng lệnh phong tỏa 2 tuần áp dụng đối với Sydney và các vùng lân cận có thể sẽ được dỡ bỏ đúng thời hạn khi phần lớn các ca mắc mới được phát hiện ở những người đã được cách ly. Cơ quan y tế bang cho biết, có hơn 68.000 xét nghiệm Covid-19 được thực hiện trong 24 giờ qua và có khả năng số ca bệnh mới sẽ giảm từ cuối tuần này.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các thành phố lớn của Australia đều đang áp dụng lệnh phong tỏa hoặc tăng cường các biện pháp kiểm dịch để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Các biện pháp phong tỏa đang ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người, tương đương với khoảng 80% dân số của Australia.
Trước tình trạng lây lan của các đột biến Covid-19 mới, Bộ Y tế Séc vừa ban hành lệnh cấm tất cả những người từ Séc đến Nga và Tunisia. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 và kéo dài đến 31/7.
Cụ thể, tất cả công dân của Séc và người nước ngoài cư trú tại Séc sẽ bị cấm nhập cảnh vào các quốc gia có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Tính đến ngày 30/6, Séc đã đưa 14 quốc gia vào danh sách nhóm nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi và Nam Mỹ. Kể từ 1/7, danh sách mới sẽ được bổ sung thêm Nga, Paraguay, Namibia và thêm Tunisia từ 5/7. Séc cũng đang xem xét đưa Ai Cập vào danh sách này.
Bộ Y tế Séc cho biết, lệnh cấm là nhằm ngăn chặn các trường hợp nhiễm chủng SARS-CoV-2 đột biến mới vào nước này. Đối với những công dân từ các quốc gia có nguy cơ nhiễm cao khi đến Séc sẽ phải trải qua một cuộc kiểm tra trước khi đến và phải kiểm tra PCR hai lần sau khi đến. Sau khi nhập cảnh sẽ phải tự cách ly 2 tuần và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định của Séc.
Việc phải đưa Tunisia và có thể là Ai Cập vào danh sách các quốc gia có nguy cơ cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành du lịch Séc khi đây là điểm đến ưa thích của người dân Séc.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ vừa thông báo khoản hỗ trợ bổ sung trị giá 41 triệu USD nhằm giúp Ấn Độ đối phó với đại dịch Covid-19, cũng như tăng cường năng lực phản ứng với Covid-19 và các tình huống khẩn cấp về y tế trong tương lai.
Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), khoản hỗ trợ này giúp Ấn Độ tiếp cận với việc xét nghiệm Covid-19, các dịch vụ sức khỏe tâm thần liên quan tới đại dịch, chuyển tuyến chăm sóc y tế, tiếp cận y tế tại các vùng sâu vùng xa. Thông báo của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ nhấn mạnh, Ấn Độ đã giúp Mỹ trong thời điểm khó khăn và giờ đây Mỹ sẽ sát cánh với người dân Ấn Độ chiến đấu với đại dịch Covid-19”.
Bên cạnh đó, thông qua cơ quan này, Mỹ cũng là đối tác cùng Ấn Độ cải thiện và tăng cường chuỗi cung ứng y tế và hệ thống thông tin y tế điện tử, hỗ trợ vaccine, huy động và điều phối các hoạt động cứu trợ của khối tư nhân. Trước đó hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói tài chính ứng phó Covid-19 đầu tiên trị giá 100 triệu USD cho Ấn Độ./.