Theo Bộ Ngoại giao Tunisia, danh sách đen kể trên không phản ánh được những nỗ lực của Tunisia liên quan tới tính minh bạch thuế trên toàn cầu.

tunisia_qiof.jpg
Ảnh minh họa: Reuters

Trước đó, ngày 5/12, Các Bộ trưởng tài chính EU đã nhất trí công bố danh sách đen đầu tiên về “thiên đường thuế”, bao gồm 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các thực thể nằm trong danh sách này bị EU xem như là "các thể chế không tuân thủ", do được cho là không đủ khả năng để giải quyết các kế hoạch trốn thuế ở nước ngoài.

Theo một báo cáo của Financial Times, Tunisia có thể đã được gỡ bỏ khỏi danh sách đen này, tuy nhiên “đề xuất cải cách của nước này là quá muộn”.

Giới chức Chính phủ Tunisia bày tỏ lo ngại về những tác động có hại mà danh sách đen “thiên đường thuế” sẽ mang lại cho đất nước này.

Nhận định rằng môi trường kinh doanh và đầu tư của Tunisia sẽ bị tổn hại bởi động thái mới nhất này của EU, các đại biểu quốc hội Tunisia vừa kêu gọi cần nhanh chóng đưa ra phản ứng ngoại giao để "cứu những gì còn lại có thể cứu được". Hiện Đạo luật Tài chính 2018 của Tunisia đang được xem xét lại.

Bộ trưởng Đầu tư và Hợp tác quốc tế Tunisia Zied Laadhari cũng vừa khẳng định trước báo chí rằng, việc đưa Tunisia vào danh sách đen cũng có thể làm tổn hại đến "sự tín nhiệm và tính minh bạch" của nền kinh tế nước này, đồng thời tuyên bố rằng Tunisia sẽ sớm được xóa tên khỏi danh sách đen kể trên.

EU hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Tunisia./.