Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm có 12.408 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 3.979.456 ca kể từ khi ca bệnh đầu tiên được công bố vào ngày 2/3/ 2020. Con số này đã giảm đáng kể so với đỉnh điểm tháng 7 khi số ca mắc đã lên tới hơn 56.000 ca. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tại Indonesia vẫn tăng cao, trên 1.000 ca mỗi ngày. Tổng cộng đã có 126.372 trường hợp tử vong do Covid-19 tại Indonesia. Trong đó, 63% ca tử vong là ở trên đảo Java đông dân cư.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở những người chưa tiêm chủng ở thủ đô Jakarta của Indonesia là 15,5%, cao gấp 3 lần so với những người chưa tiêm chủng. Trong khi đó, theo Văn phòng Y tế tỉnh Bali, 90% bệnh nhân Covid-19 tử vong là những người chưa chửng ngừa vaccine. Dữ liệu từ tỉnh Banyuwangi trên đảo Java cũng cho thấy 93% bệnh nhân Covid-19 tử vong trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 không được tiêm chủng, trong khi 6% đã được tiêm liều đầu tiên và 1% đã được tiêm phòng đầy đủ. Vaccine Sinovac và AstraZeneca là những loại vaccine chủ yếu được sử dụng trong các khu vực này.
Bà Siti Nadia Tarmizi, phát ngôn viên chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế Indonesia cho biết, hiện tại, 18% dân số Indonesia đã tiêm 1 liều vaccine và có 8% dân số đã được tiêm chủng đủ hai liều.
Mặc dù Bộ Y tế Indonesia tuyên bố đã vượt qua đỉnh điểm làn sóng Covid-19 thứ hai, song quốc gia này vẫn phải đối mặt với mối nguy hại về biến thể Delta vẫn đang lây lan nhanh chóng dẫn đến các cuộc khủng hoảng y tế. Dữ liệu từ Bộ Y tế Indonesia cũng cho thấy, trong 5 ngày qua, số ca mắc biến thể Delta tại Indonesia đã tăng gần gấp đôi, từ 862 trường hợp ngày 16/8 lên thành 1.823 trường hợp vào ngày 21/7. Chính phủ Indonesia đang tăng tốc tiêm chủng cho 208 triệu dân vào đầu năm 2022 để đạt miễn dịch cộng đồng./.