Được đưa ra theo đề xuất của Pháp và Đức, song ý tưởng lại vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước thành viên Baltic có biên giới giáp với Nga.

Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lấy làm tiếc khi không thể thúc đẩy một cuộc họp theo mô hình Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ được tổ chức cách đây chỉ vài ngày tại Geneva, Thụy Sĩ.

“Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh vẫn luôn có đối thoại, thậm chí cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Cá nhân tôi tin rằng, một cuộc đối thoại chung của tất cả các quốc gia thành viên với Nga vẫn tốt hơn là từng quốc gia riêng lẻ. Bởi chúng ta cần phải thống nhất một lập trường chung trong quan hệ với Nga như vẫn làm cho tới nay”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cho rằng, chính sách trừng phạt của châu Âu với Nga không phát huy tác dụng và cần thay đổi. Trên thực tế, từ hai năm qua, bất chấp sự phản đối và hoài nghi của nhiều nước châu Âu, Pháp đã chủ động “cài đặt lại” quan hệ với Nga, thể hiện qua việc ông Emmanuel Macron mời người đồng cấp Vladimir Putin đến họp mặt tại Pháp ngay trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu tại Pháp năm 2019 hay tổ chức chức đối thoại an ninh - đối ngoại theo mô hình 2+2 với Nga.

“Sự chia rẽ chỉ làm suy yếu chúng ta. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần lựa chọn một con đường mà tại đó sự đoàn kết hướng tới đối thoại tích cực và đầy tham vọng. Điều này sẽ mang lại lợi ích”, Tổng thống Macron nhận định.

Tuy nhiên, những quốc gia Baltic như Litva, Estonia và Latvia thì tỏ ra hoài nghi về một ý tưởng như vậy khi đặc biệt nhấn mạnh tới cuộc khủng hoảng ở Đông Ukraine, mà phương Tây vẫn luôn đổ lỗi cho Nga. 

Kết quả Hội nghị Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngày hôm qua (25/6) một lần nữa cho thấy Liên minh châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc trong cách tiếp cận với Nga. Trên thực tế, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu, cũng như đóng vai trò quan trọng trong một loạt các cuộc xung đột quốc tế và các vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược của châu Âu, bao gồm cả thỏa thuận hạt nhân Iran và các cuộc xung đột ở Syria hay Libya. Tuy nhiên, theo điện Kremlin, nỗi ám ảnh về mối đe dọa từ Nga, đã khiến một số quốc gia châu Âu, dù miễn cưỡng, song vẫn chấp nhận tham gia vào cuộc chiến trừng phạt chống Nga.

Không chỉ cả khối 27 quốc gia thành viên, mà cả liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang đau đầu trước bài toán mang tên nước Nga. Cuộc gặp Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva hồi đầu tháng này dường như là một ngoại lệ hiếm hoi và dù không đạt kết quả rõ ràng nào, song lại là động lực cho các quốc gia thành viên muốn “cài đặt lại” quan hệ với Nga./.