Lý do EU muốn “cài đặt lại” quan hệ với Nga
Ý tưởng về việc cài đặt lại quan hệ với Nga được các nước Đức - Pháp đưa ra vào thời điểm lãnh đạo của 27 nước EU họp Thượng đỉnh tại Brussels và một trong các chủ đề được quan tâm nhất là việc EU sẽ thảo luận và đưa ra chiến lược mới trong quan hệ với Nga. Chiến lược này do Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell chủ trì xây dựng và báo cáo trước các lãnh đạo EU.
Qua những động thái và phát ngôn gần đây của ông Josep Borrell, có thể dự đoán, chiến lược mà Ủy ban châu Âu đưa ra nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo hướng cứng rắn với Nga, thông qua các chính sách đối đầu và gia tăng trừng phạt. Tuần trước, chính ông Josep Borrell còn lên tiếng cảnh báo là châu Âu cần chuẩn bị cho những mâu thuẫn mới với Nga. Nhưng đây lại không phải là cách tiếp cận được cả Đức và Pháp ủng hộ. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được xem là đối tác đối thoại được Tổng thống Nga Vladimir Putin tôn trọng nhất tại châu Âu, từng nhiều lần nói rằng phải giữ được đối thoại với Nga, chứ không thể đi theo hướng đối đầu trực diện.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhận định rằng chính sách trừng phạt của châu Âu với Nga không phát huy tác dụng và cần thay đổi. Trên thực tế, từ hai năm qua, bất chấp sự phản đối và hoài nghi của nhiều nước châu Âu, Pháp đã chủ động “cài đặt lại” quan hệ với Nga, thể hiện qua việc ông Macron mời Tổng thống Nga, Vladimir Putin đến họp mặt tại Pháp ngay trước khi diễn ra Thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp) năm 2019, rồi Pháp - Nga tổ chức đối thoại an ninh - đối ngoại theo mô hình 2+2 (Hai Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng mỗi bên).
Vì thế, việc Đức - Pháp, và có thể có cả sự ủng hộ của Italy, đưa ra đề xuất cài đặt lại quan hệ với Nga vào thời điểm này không phải bất ngờ, do đã đến lúc châu Âu cần một chiến lược mới rõ ràng hơn với Nga. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraine cách đây 2 tháng, với các lo ngại an ninh rất lớn cho châu Âu, đã buộc hai cường quốc đầu tàu châu Âu là Đức - Pháp hiểu rằng châu Âu sẽ không thể nào duy trì được một cấu trúc an ninh ổn định nếu như không ổn định được quan hệ với Nga.
Cách tiếp cận thận trọng của EU
Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thụy Sỹ hôm 16/6 mở ra rất nhiều gợi ý cho châu Âu. Đầu tiên, đó là dù quan hệ giữa hai bên có khó khăn đến mức nào thì vẫn có thể đối thoại và trong quan hệ quốc tế, ai cũng hiểu rằng, đối thoại luôn tốt hơn đối đầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có thể đối thoại thẳng thắn với Tổng thống Nga chỉ vài tháng sau khi gọi ông Putin là “kẻ sát nhân” thì lãnh đạo Pháp - Đức cũng có thể làm điều tương tự, là nối lại các cuộc gặp Thượng đỉnh EU - Nga vốn bị gián đoạn từ năm 2014. Tiếp đến, châu Âu, đặc biệt là Pháp - Đức, hoàn toàn không muốn bị gạt ra ngoài lề trong các đối thoại về an ninh giữa Mỹ và Nga, khi châu Âu chính là châu lục bị ảnh hưởng an ninh lớn nhất nếu quan hệ Nga - phương Tây xấu đi.
Trước khi ông Biden gặp ông Putin, chính Tổng thống Pháp Macron đã lên tiếng đòi hỏi châu Âu phải được là một bên tham gia, thảo luận và cùng ký vào các cam kết an ninh giữa Mỹ và Nga. Do đó, Đức - Pháp cũng không muốn chậm chân hơn Mỹ trong việc xây dựng một quan hệ ổn định hơn, dễ dự đoán hơn với Nga. Cần nhắc lại rằng, các nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga của Đức - Pháp trước đây luôn bị Mỹ cản trở, điển hình là việc Mỹ từng kiên quyết phản đối dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” do Đức và Nga hợp tác triển khai và đe dọa trừng phạt nhiều công ty châu Âu tham gia dự án này.
Nhưng, ở thời điểm hiện tại, khi chính Mỹ cũng đang có nhu cầu hòa hoãn với Nga để dần kéo Nga ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc thì Đức - Pháp không có lí do gì không đẩy mạnh quan hệ với Nga vì Nga là đối tác có tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực an ninh hay năng lượng của châu Âu.
EU có thể thống nhất quan điểm giữa các nước thành viên?
Các cuộc thảo luận về quan hệ giữa EU với Nga luôn gây chia rẽ rất lớn trong nội bộ các nước EU, giữa một bên là các cường quốc Đức - Pháp - Italy muốn xây dựng một quan hệ ổn định với Nga và một bên là các nước Đông Âu (như Ba Lan, CH Séc …) và Baltic luôn coi Nga là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất và luôn muốn châu Âu đối đầu quyết liệt với Nga. Tuy nhiên, các nước Đông Âu và Baltic này lại phụ thuộc quá lớn vào cái ô an ninh của Mỹ và hầu như luôn ngả theo chính sách đối ngoại của Mỹ. Do đó, khi chính quyền mới tại Mỹ thay đổi quan điểm với Nga, muốn thực thi hòa hoãn chiến lược, chắc chắn các nước Đông Âu, Baltic cũng sẽ không thể tiếp tục duy trì thái độ hung hăng với Nga. Do đó, nhiều khả năng đề xuất về “cài đặt lại” quan hệ với Nga của Đức - Pháp sẽ được chấp nhận.
Quan hệ mới giữa Nga - EU sẽ thẳng thắn, trực diện hơn, với các đối thoại gay gắt hơn nhưng qua đó, kiểm soát xung đột tốt hơn. Nút thắt lớn nhất và cũng là điểm dễ bùng nổ xung đột nhất giữa Nga và EU hiện nay là vấn đề Ukraine. Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã kéo dài nhiều năm mà chưa thể giải quyết, thỏa thuận Minsk 2.0 gần như bị đóng băng, khiến nguy cơ xung đột tái bùng phát, dẫn tới một cuộc chiến tranh ở cửa ngõ châu Âu là rất lớn. Ngoài ra, ý định rất quyết liệt của Ukraine về việc gia nhập Liên minh châu Âu và khối quân sự NATO cũng có thể đẩy EU và Nga đến bờ vực xung đột, khi Nga cảm thấy bị đe dọa trực tiếp về an ninh và kinh tế.
Do đó, trong mối quan hệ mới, EU - Nga sẽ phải thẳng thắn đối mặt về chủ đề Ukraine, vạch rõ các lằn ranh đỏ giữa hai bên, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các cam kết. Điều này sẽ khác hẳn với quan hệ hiện nay, khi EU gia tăng căng thẳng ngoại giao và đối đầu với Nga bằng các lệnh trừng phạt gần như không có tác dụng và không mang lại tác động nào, ngoài việc càng khiến Nga đáp trả cứng rắn hơn. “Cài đặt lại” quan hệ đồng nghĩa EU và Nga cần nhìn nhận và tôn trọng vùng ảnh hưởng cũng như các lợi ích cốt lõi của nhau./.