Ô nhiễm môi trường là vấn đề nổi cộm của Trung Quốc trong những năm gần đây do quá trình phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế chóng mặt. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết đối với nước này.
Under the Dome, bộ phim tài liệu mô tả chi tiết nguyên nhân dẫn đến tình trạng sương khói ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, đã nhận được hơn 100 triệu lượt truy cập chỉ trong 48 giờ và 200 triệu lượt xem chưa đầy 1 tuần ra mắt, trước khi bị ngưng chiếu.
Người thực hiện bộ phim là một cựu Biên tập viên của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc. Bộ phim đã cho thấy những hình ảnh chân thực nhất về ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc từ trước đến nay.
Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là một chủ đề được thảo luận tại phiên họp của Quốc hội Trung Quốc vừa rồi. Sau khi xem báo cáo công tác của chính phủ trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội tại thủ đô Bắc Kinh hôm 6/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố chủ trương chống ô nhiễm môi trường của ban lãnh đạo cao nhất.
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố chính phủ sẽ dùng “bàn tay sắt” trừng phạt nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Còn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 15/3, trong một bài phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Bắc Kinh cũng yêu cầu các doanh nghiệp nước này coi việc bảo vệ hệ sinh thái và môi trường như là một nhiệm vụ.
“Năm nay chúng ta sẽ tập trung đảm bảo việc thực hiện luật bảo vệ môi trường mới được sửa đổi. Tất cả các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ luật này sẽ phải chịu phạt và xử lý hình sự”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói.
Theo số liệu của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc công bố hồi tháng 2, gần 90% các thành phố lớn ở nước này không đạt chuẩn chất lượng không khí trong năm 2014. Tuy nhiên, bộ này cũng nói số liệu trên vẫn còn tốt hơn kết quả của năm 2013 và cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc bắt đầu có hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc Trần Cát Ninh nhấn mạnh về nhiệm vụ bảo vệ môi trường: "Chúng ta không thể cứ để mặc tình trạng môi trường như thế mà không làm gì. Chúng ta cần phải giảm lượng khí thải hiện tại xuống. Chúng ta có làm được điều này không. Có thể được nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực đặc biệt”.
Trong lúc dư luận bức xúc về tình trạng sương mù ô nhiễm và các rủi ro về môi trường khác, Trung Quốc năm ngoái đã tuyên chiến với ô nhiễm, bắt đầu giảm tiêu thụ than và loại bỏ những cơ sở công nghiệp không đạt chuẩn.
Theo đó, năm 2017, tỷ lệ than trong tổng tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 65%, trong khi tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo sẽ tăng lên 13%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng kiên quyết loại bỏ các loại xe gây ô nhiễm nặng.
Bên cạnh đó, đến năm 2017, tất cả các xe dán nhãn màu vàng (loại nhãn để nhận biết xe không đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải) sẽ được loại bỏ trên toàn quốc; từng bước thay thế xăng và dầu diezel bằng các loại nhiên liệu sạch như xăng sinh học. Tuy vậy, theo các chuyên gia, vấn đề ô nhiễm không khí của Trung Quốc đã tích tụ nhiều thập niên và sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đó sẽ là một cuộc chiến kéo dài.
Bà Susan Shirk-Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói: “Tôi nghĩ rằng vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí được rất nhiều người quan tâm. Và tôi nghĩ rằng, luật bảo vệ môi trường mới của Trung Quốc với các hình thức xử phạt nặng hơn sẽ được công chúng chào đón. Nhưng việc giám sát các vấn đề môi trường của Trung Quốc vẫn là một thách thức”./.