Cuộc thử nhiệm diễn ra tại thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc. Động cơ thử nghiệm có lực đẩy lên tới 500 tấn, đường kính 3,5m, là loại động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn nguyên khối có lực đẩy lớn nhất thế giới hiện nay.
Trước đó, Viện nghiên cứu số 4, tức cơ quan nghiên cứu công nghệ động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn lớn nhất nước này, thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (AASPT), đã đề ra kế hoạch 3 bước với việc nghiên cứu chế tạo động cơ có lực đẩy “120 tấn, 200 tấn và 500 tấn”. Việc thử nghiệm thành công loại động cơ 500 tấn, đánh dấu kế hoạch này đã chính thức hoàn thành và hiện thực hóa.
Viện này cho biết, việc động cơ có lực đẩy 500 tấn bước vào giai đoạn ứng dụng kỹ thuật, mang tính bước ngoặt hướng tới sự phát triển của động cơ nhiên liệu rắn có lực đẩy 1.000 tấn của Trung Quốc.
Hiện nay, dựa trên động cơ nguyên khối có lực đẩy 500 tấn này, Viện nghiên cứu số 4 đang tiến hành nghiên cứu loại động cơ phân khúc đường kính 3,5m. Loại động cơ này được chia làm 5 đoạn, lực đẩy tối đa đạt hơn 1.000 tấn, có thể được sử dụng làm động cơ cho các tên lửa đẩy cỡ lớn và hạng nặng, đáp ứng các nhu cầu về thiết bị đẩy trong các chương trình vũ trụ của Trung Quốc liên quan đến thiết bị trong không gian, đưa người lên Mặt Trăng và thám hiểm không gian sâu...
Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh, vụ thử thành công này đánh dấu sự nâng cao đáng kể về năng lực vận chuyển của động cơ tên lửa nhiên liệu rắn nước này và có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tên lửa đẩy cỡ lớn và hạng nặng của Trung Quốc trong tương lai.
Được biết, năm 2009, Trung Quốc đã phát triển một động cơ đường kính 2m với lực đẩy 120 tấn, một kỷ lục vào thời điểm đó, trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của tên lửa đẩy nhiên liệu rắn đầu tiên của nước này Trường Chinh-11.
Năm 2019, việc ra mắt động cơ đường kính 2,6m, lực đẩy 200 tấn đã thúc đẩy việc phê duyệt dự án phát triển tên lửa đẩy thương mại Smart Dragon-3 (SD-3). Tên lửa này có khả năng đưa vật nặng 1,5 tấn vào quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời ở độ cao 500km, dự kiến sẽ phóng lần đầu vào năm 2022./.