Tính năng nổi trộiTên lửa tấn công dành cho Hải quân (NSM) của Mỹ được bố trí lắp trên chiến hạm và có khả năng tránh được radar tầm xa của đối phương. Tên lửa này dài 4m, nặng 400kg. Nó có hệ thống tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn trong pha phóng và một động cơ turbo nhiên liệu JP-10 dùng cho pha bay dài sau đó giúp tên lửa đạt tốc độ từ 864-1.110,4km/h.
NSM có một kíp nổ được lập trình và một đầu đạn dạng phân mảnh nặng 125kg, với khả năng xuyên phá trước khi nổ để tạo hiệu quả tàn phá tối đa.
NSM được thiết kế đặc biệt để có mức độ nhận diện thấp trước radar đối phương và có chế độ bay sát bề mặt biển để lẩn tránh radar đối phương.
Giới chuyên gia đánh giá đây là một vũ khí rất lợi hại, kể cả ở eo biển Đài Loan hay trên Biển Đông, nói chung là bất cứ nơi đâu có tàu mặt nước.
Các cảm biến và đặc tính tàng hình của NSM giúp nó có khả năng đánh trúng mục tiêu được chỉ định.
Naval Recogntition cho hay, "tên lửa này trèo và hạ theo địa hình, đồng thời thực hiện được các động tác cơ động để lẩn tránh các hệ thống radar phòng thủ tối tân trên thế giới".
"NSM sở hữu khả năng nhận mục tiêu tới cả lớp tàu - một đặc điểm tối quan trọng đối với các chiến binh muốn đánh đúng các mục tiêu cụ thể, đã được lựa chọn trong môi trường gặp nhiều trở ngại từ đối phương".
Hải quân Mỹ đẩy mạnh trang bị NSM
Tính đến tất cả các mặt đó, không có gì ngạc nhiên khi hải quân Mỹ đang tối đa hóa năng lực tác chiến "đa miền" của mình thông qua việc trang bị tên lửa NSM này cho tàu chiến đấu duyên hải (LCS).
Các quan chức hải quân Mỹ hy vọng đạt được cấp độ tấn công mới bằng việc cải thiện sự kết nối của vũ khí mới này với các hệ thống vũ khí khác và với các công nghệ kiểm soát và chỉ huy, cũng như "các nút" vận hành bên trong một mạng lưới tác chiến hàng hải rộng lớn hơn.
Sĩ quan Jason Kipp - quản lý chương trình này, cho hay: "Chúng tôi đã chứng minh được tính năng của NSM và đang nâng cao khả năng liên kết cho nhiều tên lửa hơn nữa. Chúng tôi đang tích hợp nó với hệ thống chiến đấu".
NSM là kết quả của hợp tác giữa các tập đoàn vũ khí Raytheon và Kongsberg. Tên lửa này có khả năng bắn xa tới 100 hải lý (hơn 185Km), theo chuyên gia Kris Osborn.
NSM cũng được triển khai trên 10 tàu hộ vệ và tàu tên lửa của hải quân Na Uy và sẽ được triển khai trên 15 tàu hộ vệ kiểu 26 của Canada, các tàu hộ vệ của Đức, và 8 tàu hộ vệ lớp Lela của Malaysia.
Nhắm tới Trung Quốc
Không phải ngẫu nhiên hải quân Mỹ muốn trang bị loại tên lửa này cho đội tàu chiến mặt nước của mình. Các vũ khí như thế này sẽ giúp chiến hạm Mỹ tăng cường tầm vươn xa và năng lực tác chiến ở vùng biển sâu - điều mà Trung Quốc lo ngại.
Ông Kipp khẳng định hải quân Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ lắp đặt tên lửa này cho mọi biến thể Independence của tàu LCS trong biên chế của họ.
Theo ông Kipp, triển vọng của NSM cũng đã thôi thúc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ muốn được sở hữu tên lửa chống hạm đặt trên bờ (GBASM).
Loạt tên lửa GBASM này sẽ kết hợp nhiều loại chiến thuật với nhau để mang lại năng lực tác chiến đồng thời cả trên biển, trên không, và trên bộ, trong đó có năng lực tấn công theo kiểu nhảy cóc từ biển lên bờ và ngược lại.
Loại chiến thuật năng động này sẽ được áp dụng cho các dải đảo không quá xa bờ tương tự như các quần đảo ở Biển Đông.
Các kịch bản trên có thể sẽ trở thành nền tảng lý luận cho loại tàu chiến đổ bộ hạng nhẹ đang được Mỹ phát triển để đón và vận chuyển lính thủy quân lục chiến cùng vũ khí của họ một cách nhanh chóng, gọn gàng, và toàn diện.
Hiện nay các tàu tác chiến gần bờ của Mỹ phụ thuộc vào pháo 57mm và tên lửa Hellfire chỉ có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa vài dặm. Đối với Mỹ, đây là một nhược điểm trước các tàu nhỏ hơn của Trung Quốc, Iran, và Nga - những tàu này có thể mang các tên lửa chống hạm rất mạnh với tầm bắn từ vài chục đến thậm chí hàng trăm dặm.
Chuẩn bị đô đốc hải quân Mỹ Casey Moton cho hay, với những điều chỉnh mới này thì đối phương của Mỹ sẽ không thể phớt lờ các tàu LCS của Mỹ nữa./.