Sau Thượng Hải, ngày 6/4, thành phố Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô) và thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã thông báo tạm dừng kinh doanh gia cầm sống, chim sống và đóng cửa tất cả chợ gia cầm để đối phó với cúm gia cầm H7N9.
Xét nghiệm virus H7N9 ở Cơ quan Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh ngày 3/4 (Ảnh: Reuters) |
Như vậy, sau khi cúm gia cầm H7N9 gây tử vong ở người từ đầu tháng này, các nhà chức trách Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp không để dịch bệnh lan rộng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn của Cơ quan quản lý công nghiệp và thương mại tỉnh Nam Kinh, ông Vương Chí Hy cho biết: “Chúng tôi đang tạm thời ngừng bán gia cầm sống ở Nam Kinh. Chúng tôi đã yêu cầu những người chịu trách nhiệm đối với 3 chợ này cũng như những người kinh doanh gia cầm sống cần phải ngừng bán bất kỳ gia cầm sống nào từ giờ phút này trở đi”.
Theo ông, biện pháp này nhằm phòng chống virus cúm gia cầm có thể từ bên ngoài vào thành phố.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc đã ra lệnh cấm buôn bán gia cầm sống sau khi phát hiện thêm một số chim cút nhiễm virus cúm H7N9 được bán trên thị trường. Tỉnh này cũng cho tiêu hủy 8.000 gia cầm tại một ngôi chợ vì phát hiện virus H7N9.
Trước đó, chính quyền thành phố Thượng Hải cũng đã cấm vận chuyển gia cầm sống từ các nơi khác trên cả nước vào thành phố này, sau khi tạm thời đóng cửa ba khu chợ bán gia cầm. Sở Nông nghiệp thành phố Thượng Hải cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra các tuyến đường vào thành phố nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển gia cầm sống.
Trước các biện pháp của chính phủ trong việc ngăn chặn virus cúm H7N9 lan rộng, nhiều người dân Trung Quốc bày tỏ sự đồng tình: “Tôi ủng hộ lệnh cấm buôn bán gia cầm. Nếu các chợ này vẫn mở có lẽ dịch cúm sẽ lây lan rộng. Biện pháp tốt nhất là đóng cửa các chợ giam cầm người dân có thể yên tâm hơn. Như vậy, dịch cúm gia cầm sẽ lây lan chậm, thậm chí chấm dứt hẳn”.
Theo các chuyên gia y tế, việc đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến thực phẩm và tránh tiếp xúc với gia cầm là cách phòng chống bệnh tốt nhất. Ông Đăng Kiêm Dung, quan chức Sở Y tế Hàng Châu cho biết: “Từ điều tra về mặt dịch tễ học, chúng tôi khuyên mọi người nên tránh ăn các sản phẩm gia cầm và không đến các nơi giết mổ gia cầm. Nếu muốn ăn thịt gia cầm nên nấu chín hoàn toàn”.
Như vậy, tính đến ngày 6/4, Trung Quốc, Trung Quốc đã xác nhận 18 trường hợp nhiễm cúm H7N9 trong đó có 6 trường hợp tử vong. Hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu virus H7N9 có phát triển thành trận đại dịch cúm gia cầm H5N1 cách đây một thập niên hay không. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định không có dấu hiệu các trường hợp nhiễm virus H7N9 tại Trung Quốc do lây làn từ người sang người song cácphòng thí nghiệm trên toàn thế giới tiếp tục nghiên cứu gene của virus H7N9 để đánh giá khả năng gây dịch của chúng.
Theo ông Ab Osterhaus, chuyên gia y tế tại Trung tâm y khoa Erasmus ở Hà Lan, một vài biến đổi gene của virus này cũng đủ để các nước cảnh giác và tăng cường giám sát trên gia cầm, động vật và người. Theo ông, điều đáng ngại là virus H7N9 xuất hiện ở gia cầm không gây bệnh nặng cho chúng nhưng lại gây nguy hại cho người./.