Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc ngày 31/8 đã thông qua quyết định quan trọng liên quan việc bầu cử Hội đồng lập pháp và bầu cử Người đứng đầu đặc khu hành chính Hongkong. 

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh ở Hongkong thời gian qua diễn ra nhiều cuộc biểu tình và chiếm đóng toà nhà trung tâm tài chính nhằm phản đối quy định hiện hành về tiến trình bầu cử. 

vnp_bieu_tinh_o_hong_kong_miwe.jpgBiểu tình ở Hongkong (ảnh: Hà Ngọc/Vietnam+)

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra tại Bắc Kinh chiều 31/8, Phó Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lý Phi cho biết, kỳ họp thứ 10 Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, với số phiếu tán thành đạt 100% đã nhất trí thông qua “Quyết định về vấn đề lựa chọn phổ thông đối với Người đứng đầu Đặc khu hành chính và biện pháp hình thành Uỷ ban lập pháp Đặc khu hành chính Hongkong”.

Theo quyết định mới được thông qua, từ năm 2017, bầu cử Người đứng đầu Đặc khu hành chính Hongkong sẽ tiến hành theo hình thức phổ thông đầu phiếu, phải thành lập một Uỷ ban đề cử có tính đại biểu rộng rãi. Uỷ ban này căn cứ vào các trình tự dân chủ để chọn ra từ 2 đến 3 ứng cử viên cho vị trí Người đứng đầu đặc khu với điều kiện phải nhận được trên 50% sự ủng hộ của số uỷ viên Uỷ ban đề cử. Sau đó ứng viên trúng cử Người đứng đầu đặc khu phải do Chính phủ trung ương Trung Quốc bổ nhiệm.

Theo ông Lý Phi, việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định trên là căn cứ vào quy định có liên quan tới Luật cơ bản về Đặc khu hành chính Hongkong, phù hợp với nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”, phù hợp với địa vị pháp lý của Hongkong, đồng thời căn cứ vào lợi ích và nguyện vọng của tất cả các tầng lớp trong xã hội”.

Ông Lý Phi khẳng định: “Người đứng đầu Đặc khu hành chính Hongkong vừa phải chịu trách nhiệm về công việc của Đặc khu, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ Trung ương. Việc thông qua quyết định trên là yêu cầu cơ bản của phương châm “một quốc gia, hai chế độ”, và là yêu cầu khách quan của việc đảm bảo duy trì cho Hongkong ổn định, phát triển lâu dài; bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia của Trung Quốc”.

Việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định trên diễn ra trong bối cảnh thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến ở Hongkong phản đối quy định hiện hành liên quan đến vấn đề bầu cử Người đứng đầu Đặc khu hành chính, trong đó đáng chú ý là chiến dịch vận động “Chiếm đóng toà nhà trung tâm tài chính Hongkong” thu hút sự tham gia của hàng nghìn người. 

Những người phản đối đưa ra yêu sách đòi Chính quyền trung ương Trung Quốc phải thay đổi quy định bầu cử hiện hành, thực hiện bầu cử phổ thông đầu phiếu để lựa chọn ra Người đứng đầu Đặc khu mà không cần có sự ủng hộ của 50% uỷ viên Uỷ ban đề cử./.