Cuộc bầu cử Tổng thống tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/8 khép lại với chiến thắng thuộc về Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Đây là một kết quả không có gì quá bất ngờ đối với dư luận trong và ngoài nước. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, chiến thắng của ông Erdogan trong cuộc bầu cử Tổng thống là kết quả có thể dự đoán được, nhưng thách thức chính của ông Erdogan hiện nay đó là thực hiện hóa kế hoạch đầy tham vọng của ông trong nhiệm kỳ Tổng thống tới. 

erdogan_iayt.jpgÔng Recep Tayyip Erdogan (ảnh: aktifhaber.com)

Với 99 % số phiếu bầu được kiểm, ông Erdogan giành được 52% số phiếu bầu, trong khi ứng cử viên đối lập Ekmeleddin Ihsanoglu nhận được 38,3%. Điều đó đồng nghĩa với việc không tổ chức cuộc bầu cử vòng 2. Kết quả này cũng đánh dấu sự chiến thắng cá nhân của ông Erdogan người đã giữ chức Thủ tướng từ năm 2003 và có thể là Tổng thống thêm 2 nhiệm kì nữa đến năm 2024.

Hàng nghìn người dân ngày 10/8 đã kéo đến trung tâm Israbul, cầm cờ và ảnh của Thủ tướng để ăn mừng chiến thắng, hàng loạt pháo hoa rực sáng trên bầu trời của Thủ đô Ankara.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng, ông Erdogan khẳng định, đây không chỉ là chiến thắng của cá nhân ông, mà là chiến thắng của sự dân chủ, của toàn bộ người dân Thổ Nhĩ Kì. Ông cũng cam kết mở ra một kỉ nguyên mới cho người dân Thổ Nhĩ Kì, đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa giải xã hội - nơi tất cả những người Thổ Nhĩ Kì bất chấp nguồn gốc hay tôn giáo đều được bình đẳng.

Ông Erdogan nói: “Chúng ta hãy bắt đầu một tiến trình hòa giải xã hội mới. Hãy bỏ qua những cuộc đối thoại trong quá khứ. Hãy để căng thẳng, đụng độ tôn giáo trở thành vấn đề của một Thổ Nhĩ Kì cũ”.

Thực tế chiến thắng của ông Erdogan trong cuộc bầu cử lần này không khiến dư luận quá bất ngờ. Mặc dù đối mặt với những khó khăn trong giai đoạn cầm quyền năm 2013 với hàng loạt các cuộc biểu tình chống Chính phủ nổ ra, cùng bê bối tham nhũng dẫn đến việc cải tổ nội các, nhưng với uy tín nhiều năm cầm quyền, ông Erdogan vẫn giành được sự tín nhiệm của phần lớn người dân. Chính phủ của ông Erdogan nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cử tri tôn giáo bảo thủ có thu nhập trung bình tại khu vực miền trung Thổ Nhĩ Kì và các huyện nghèo ở Istabul.

Một cử tri tại Istabul bày tỏ: “Lần đầu tiên mọi người được đi bầu chọn chọn Tổng thống. Chúng tôi hi vọng rằng đây sẽ là sự phát triển tích cực để cải thiện dân chủ. Tôi hi vọng ông Erdogan sẽ là một Tổng thống tốt và bảo vệ người dân. Tôi hi vọng ông nhận được 100% sự ủng hộ của người dân chứ không chỉ hơn 50% như hiện nay”.

Kết quả quan trọng trong cuộc bầu cử này cũng tạo một bàn đạp cho cuộc chiến chính trị tiếp theo của ông Erdogan, đặc biệt là cuộc bầu cử  lập pháp vào năm 2015.

Giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này nhưng giới quan sát nhận định con đường trước mắt của ông Erdogan cũng sẽ không trải đầy hoa hồng. Trong thời gian qua qua, tỉ lệ ủng hộ Chính phủ của ông Erdogan giảm dần do nhiều người dân cảm thấy bất bình với những chính sách “độc đoán” của Thủ tướng.

Các vụ bê bối tham nhũng, trong đó có các thành viên nội các quan trọng, cũng là nguyên nhân khiến uy tín của Chính phủ giảm sút. Thêm vào đó, kinh tế suy giảm gây nên sự bất mãn trong người dân. Những mâu thuẫn này hoàn toàn có thể làm thổi bùng lên những cuộc biểu tình đường phố-đã từng làm Chính phủ của ông Erdogan chao đảo năm ngoái.

Giới quan sát cũng cho rằng, tuyên bố “định hình lại” hệ thống chính trị, trao quyền nhiều hơn cho Tổng thống cũng sẽ tạo ra sự căng thẳng trên chính trường Thổ Nhĩ Kì. Tại Thổ Nhĩ Kì, Thủ tướng cầm quyền còn chức vụ tổng thống mang nhiều tính tượng trưng. Tuy nhiên, phát biểu sau khi giành chiến thắng, ông Erdogan khẳng định có kế hoạch cải tổ mới để giúp Tổng thống có quyền hành lớn hơn.

Giới quan sát nhận định, với tham vọng của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kì có thể hướng tới một hệ thống giống như của Pháp, nếu Đảng Công Lí và Phát triển của ông ( AKP) thành công trong việc sửa đổi Hiến pháp.

Những tuyên bố của ông Erdogan ngay lập tức vấp phải sự phản đối của lực lượng đối lập. Họ cho rằng, ông Erdogan đang phá hoại “ di sản “ của người sáng lập ra nhà nước Thổ Nhĩ Kì. Giới phân tích cũng cho rằng, ông Erdogan có thể phải đối mặt với sự phản đối gay gắt khi tìm cách thay đổi hiến pháp và gia tăng quyền hạn cho các nhiệm kì Tổng thống.

Mục tiêu giành chiếc ghế Tổng thống của ông Erdogan đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên bước thứ 2 khó khăn hơn trong kế hoạch đầy tham vọng của ông đó gia tăng quyền hạn của Tổng thống hiện cũng phụ thuộc nhiều vào việc liệu ông có thể xây dựng được một liên minh đủ mạnh trong Quốc hội để thúc đẩy thông qua những điều khoản sửa đổi Hiến pháp quan trọng này./.