Tên lửa đẩy nhiên liệu rắn có tên ZK-1A này đã thực hiện lần phóng đầu tiên thành công từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền lúc 12h12 ngày 27/7 (giờ địa phương), đưa 6 vệ tinh vào quỹ đạo định sẵn.
ZK-1A là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn đầu tiên do Viện Khoa học Trung Quốc nghiên cứu và phát triển. Tên lửa có chiều dài 30m, đường kính 2,65m, nặng 135 tấn, lực đẩy khi phóng 200 tấn và có khả năng đưa trọng tải 1,5 tấn vào quỹ đạo đồng bộ Mặt trời ở độ cao 500km.
Theo thông tin trên tài khoản WeChat chính thức của Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, ZK-1A hiện là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn lớn nhất Trung Quốc. ZK-1A được xếp vào hàng tiên tiến trong lĩnh vực tên lửa đẩy nhiên liệu rắn trên thế giới về khả năng chuyên chở, độ chính xác khi bay vào quỹ đạo, độ tin cậy của thiết kế và hiệu quả về giá thành.
Trong nhiều thập kỷ, công nghệ tên lửa nhiên liệu rắn của Trung Quốc từng tụt hậu so với phương Tây. Nhưng trong những năm gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ kỹ thuật liên quan đến công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, điều khiển bay và tái kích hoạt động cơ - đưa chúng ngang hàng hoặc thậm chí vượt qua các đối thủ cạnh tranh, theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Viện Thông tin hàng không vũ trụ Tây An.
Hồi tháng 10/2021, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công động cơ tên lửa nhiên liệu rắn 500 tấn. Cuộc thử nhiệm diễn ra tại thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc. Đây là loại động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn nguyên khối có lực đẩy lớn nhất thế giới hiện nay.
Theo Viện nghiên cứu số 4, cơ quan nghiên cứu công nghệ động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn lớn nhất nước này, thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (AASPT), việc động cơ có lực đẩy 500 tấn bước vào giai đoạn ứng dụng kỹ thuật, mang tính bước ngoặt hướng tới sự phát triển của động cơ nhiên liệu rắn có lực đẩy 1.000 tấn của Trung Quốc.
Vụ thử thành công này có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tên lửa đẩy cỡ lớn và hạng nặng của nước này trong tương lai.
Được biết, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tên lửa nhiên liệu rắn ở Trung Quốc một phần được thúc đẩy bởi chương trình vũ khí siêu thanh./.