Vào 11h25 phút hôm nay (29/4), tại trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, module lõi trạm không gian của Trung Quốc đã được phóng thành công lên vũ trụ, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc xây dựng trạm không gian riêng của nước này.
Căn cứ quy hoạch xây dựng trạm không gian của Trung Quốc, trong năm 2021 và 2022 sẽ thực hiện 11 lần phóng tên lửa để đưa module lõi của trạm không gian, tàu vũ trụ có người lái, tàu vũ trụ chở hàng lên không gian. Đây cũng là mục tiêu thứ 3 trong chiến lược phát triển 3 bước công trình đưa người vào vũ trụ của Trung Quốc.
Dự kiến đến năm 2022 Trung Quốc sẽ xây dựng xong và đưa vào vận hành trạm không gian Thiên Cung – nặng 70 tấn và có không gian tối đa cho 3 nhà khoa học làm việc lâu dài. Được biết, trạm không gian Thiên Cung sẽ gồm 3 phần, 1 module lõi, 2 phòng thí nghiệm không gian và có thời gian vận hành 15 năm.
Module lõi vừa được phóng thành công có tên gọi Thiên Hòa dài 18,1m, đường kính 4,2m, nặng 22,5 tấn là trung tâm, cũng là nơi các phi hành gia sống và kiểm soát toàn bộ trạm từ bên trong. Hai phòng thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên dài 14,4m, đường kính 4,2m sẽ là nơi tiến hành các thí nghiệm khoa học. Trạm không gian Thiên Cung cũng dự phòng phương án thiết kế trong trường hợp mở rộng không gian trạm. Với việc Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ năm 2025, trạm Thiên Cung của Trung Quốc sẽ là trạm không gian duy nhất trong vũ trụ./.