Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng, việc sử dụng thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc” để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã mang một ý đồ xấu. Cái gọi là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ đưa ra “nói một đằng, làm một nẻo”.
Phân tích về điều này, theo ông Uông Văn Bân, chiến lược tuyên bố thúc đẩy “tự do và rộng mở” trong khu vực nhưng trên thực tế nó lại tạo ra một “vòng tròn khép kín” thông qua quan hệ đối tác an ninh 3 bên - AUKUS và cơ chế Bộ tứ - QUAD. Đối với việc tăng cường an ninh khu vực, trên thực tế nó tạo ra những nguy cơ nghiêm trọng về phổ biến vũ khí hạt nhân, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định của khu vực.
Ngoài ra, chiến lược tuyên bố thúc đẩy thịnh vượng nhưng lại gây ra sự đối đầu giữa các nước trong khu vực và tác động đến cấu trúc hợp tác khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, đe dọa nghiêm trọng đến kết quả hợp tác khu vực và triển vọng phát triển trong tương lai.
Ông Uông Văn Bân đưa ra đánh giá trên khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden công bố chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” vào hôm 11/2. Trong đó, Mỹ sẽ thiết lập quan hệ với các nước đồng minh, đối tác và tăng cường đảm bảo an ninh. Đồng thời Mỹ cũng thông báo sẽ mở đại sứ quán mới ở quốc đảo Solomon trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, chiến lược này khôi phục tâm lý chiến tranh lạnh, không có triển vọng, chỉ mang lại sự chia rẽ và bất ổn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với các quốc đảo Thái Bình Dương, Trung Quốc mong muốn các nước liên quan sẽ có hành động vì lợi ích của các quốc đảo và người dân tại đây, làm nhiều việc hơn nữa có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực./.