Vào khoảng 16h chiều 12/7 (theo giờ Hà Nội), Tòa trọng tài thường trực ở La Hay đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines liên quan vấn đề Biển Đông, theo đó Tòa đã bác bỏ cái gọi là “Đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. 

Ngay sau khi Tòa công bố phán quyết, cả Chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần lượt ra Tuyên bố phản đối, trong khi Người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này còn ngang ngược đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp “cần thiết” để bảo vệ cái gọi là “lợi ích” của nước này ở Biển Đông. 

luc_khang_2_kwqp.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. (ảnh: Hà Thắng/VOV-Bắc Kinh).

Phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài thường trực được công bố công khai trên trang web của cơ quan này vào khoảng 16h chiều 12/7 (theo giờ Hà Nội)  đồng thời được gửi bằng e-mail tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các nước liên quan. Theo đó, Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, tại vùng biển thuộc phạm vi “Đường chín đoạn”.

Tòa trọng tài cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Cùng với đó, Tòa trọng tài thường trực cũng khẳng định Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa.

Ngay sau khi Tòa trọng tài thường trực công bố phán quyết cuối cùng, cả Chính phủ Trung Quốc và Bộ Ngoại giao nước này đều ra tuyên bố phản đối.

Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc có tựa đề “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa liên quan chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển ở Biển Đông”.

Tuyên bố này gồm 5 nội dung, không đề cập đến vụ kiện cũng như phán quyết của Tòa trọng tài, mà tập trung nhắc lại cái gọi là “chủ quyền” của nước này đối với các quần đảo ở Biển Đông của Việt Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, liệt kê các quyền và lợi ích phi pháp của nước này đối với quần đảo Trường Sa, bao gồm cả cái gọi là “quyền lợi lịch sử” mà Tòa trọng tài thường trực vừa ra phán quyết bác bỏ.

Tuyên bố này ngang ngược cho rằng phán quyết của Tòa là “vô hiệu, không có tính ràng buộc” và khẳng định nước này không chấp nhận, không thừa nhận”.

Cùng với đó, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Philippines khi khởi kiện lên Tòa trọng tài thường trực. Đặc biệt, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn chỉ trích đích danh cả Tòa trọng tài thường trực, ngang ngược cho rằng phán quyết của Tòa là “không công bằng” và “không hợp pháp”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục nêu lại chủ trương của nước này không chấp nhận bất cứ bên thứ 3 nào tham gia giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, kêu gọi thông qua đàm phán hiệp thương để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo tổ chức cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cùng với việc tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài, còn ngang nhiên cho rằng phán quyết của Tòa sẽ khiến “tình hình khu vực thêm căng thẳng” và cho rằng phán quyết của Tòa sẽ “không có bất cứ ảnh hưởng nào” tới Trung Quốc. Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” và “lợi ích” của nước này ở Biển Đông./.