Trong buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 5/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc phản đối đa phương hóa Hiệp ước cắt giảm các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bởi đây là Hiệp ước đã được ký kết giữa Mỹ và Nga (trước đây là Liên Xô).

hiep_uoc_inf_yvui.jpg
Tên lửa RSD-10 do Liên Xô sản xuất. Loại tên lửa này đã bị phá hủy theo Hiệp ước INF. Ảnh: Sputnik

Trước đó, hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF với cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm hiệp ước này. Ông Trump khi đó cũng cho rằng, Trung Quốc nên là một phần của Hiệp ước INF. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Anatoly Antonov sau đó nói rằng, INF nên bao gồm không chỉ Trung Quốc mà cả các nước thành viên NATO, đặc biệt là Pháp và Anh.

Hiệp ước INF được đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev khi đó và có hiệu lực từ năm 1988. Theo hiệp ước, hai bên sẽ xóa bỏ tất cả các tên lửa hành trình và tên lửa phóng từ mặt đất có tầm xa từ 500-5.500km.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng từng tuyên bố rằng, INF sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, vì hiện tại Trung Quốc không bị kiềm chế bởi các điều khoản của thỏa thuận này.

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự cảnh báo, hiệp ước INF bị sụp đổ có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang.

Ngày 4/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tối hậu thư cho Nga, nói rằng Nga có 60 ngày để cứu vãn Hiệp ước INF nếu không Mỹ sẽ chính thức hủy bỏ hiệp ước này./.