Kế hoạch trên được tờ China Science Daily có trụ sở tại Bắc Kinh tiết lộ.

Thông tin mới này chỉ xuất hiện vài tháng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 về nước sau khi hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bắc Kinh có ý định triển khai tàu chở cá sống có trọng tải 200.000 tấn tới vùng biển quanh bãi Vành Khăn, nhiều khả năng là với mưu đồ củng cố quyền kiểm soát của họ đối với khu vực này.

Tờ báo Trung Quốc tuyên bố đã đến lúc nước này “chú ý hơn nữa tới các nguồn tài nguyên” ở dưới lòng Biển Đông.

Lei Jilin, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ngư nghiệp Hoàng Hải thuộc Học viện Khoa học Ngư nghiệp Trung Quốc, nói với tờ báo trên rằng việc bảo vệ biên giới nước này không phải là sứ mệnh duy nhất của ban lãnh đạo Trung Quốc. Theo ông ta, họ còn cần phải biết cách “khai thác nguồn tài nguyên một cách hợp lý”.

Học viện Khoa học Ngư nghiệp Trung Quốc có kế hoạch mua một tàu chở dầu nặng 200.000 tấn rồi chỉnh sửa nó thành một tàu chở cá sống.

Lei cho biết còn tàu chở cá sống này có thể đóng vai trò một cơ sở sản xuất di động của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ cho các tàu quân sự và dân sự Trung Quốc hoạt động trong khu vực.

Lei nói, nếu kế hoạch này thành công ở bãi Vành Khăn, Trung Quốc có thể triển khai một "hạm đội" tàu chở cá sống tới Biển Hoa Đông và Biển Đông dưới sự hộ tống của Hải quân Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc đang hối hả xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông./.