Giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trong vấn đề Biển Đông, hôm 26/5 Trung Quốc đã tiết lộ một chiến lược quân sự lần đầu tiên tăng cường tầm vươn của hải quân Trung Quốc nhằm “bảo vệ các vùng biển mở” cách xa bờ của nước này.
Chiến hạm Trung Quốc (ảnh: absoluterights) |
Diễn biến mới này có thể đặt ra một thách thức lớn đối với hải quân Ấn Độ, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương.
Với thái độ hung hăng, Trung Quốc cũng vạch ra kế hoạch xây dựng 2 ngọn hải đăng trên các đảo ở Biển Đông.
Với lực lượng lục quân đông nhất thế giới (2,3 triệu quân), Trung Quốc chi ngân sách quốc phòng hơn 145 tỷ USD cho năm nay – con số này cao hơn hẳn mức 40 tỷ USD của Ấn Độ.
Khi quân đội Trung Quốc công bố Sách Trắng đầu tiên về chiến lượng quốc phòng nhấn mạnh đến “nội dung phòng thủ chủ động”, Bộ Vận tải Trung Quốc đã tổ chức một lễ động thổ cho việc xây dựng 2 ngọn hải đăng đa chức năng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lên lớp với Philippines
Bảo vệ việc xây dựng hải đăng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói với truyền thông rằng mục đích chính của họ là hoàn thành các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, bao gồm việc tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai trên biển.
Bà Hoa cũng chỉ trích nặng nề cáo buộc của Philippines cho rằng Trung Quốc đang bắt nạt các láng giềng nhỏ hơn.
Bà Hoa lên lớp với Philippines: “Đây là lời khuyên dành cho Philippines. Trung Quốc sẽ không bao giờ bắt nạt các nước nhỏ hơn nhưng họ phải không có hành động khiêu khích một cách liên tục và cố ý. Chúng tôi theo tiến trình hợp lý. Chúng tôi hy vọng Philippines sẽ ngừng khiêu khích và quay trở lại quá trình đúng đắn là đàm phán”.
Từ góc độ Ấn Độ, Sách Trắng của Trung Quốc vạch ra 4 mảng an ninh quan trọng, là đại dương, vũ trụ, không gian mạng, và vũ khí hạt nhân. Trong đó, kế hoạch của Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân nước xanh đặt ra một thách thức lớn đối với Hải quân Ấn Độ./.