Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố Sáng kiến an ninh toàn cầu khi phát biểu tại hội nghị. Trong bài phát biểu qua video tại lễ khai mạc diễn đàn, ông Tập Cận Bình cho rằng, tư tưởng Chiến tranh Lạnh sẽ phá hoại khuôn khổ hòa bình toàn cầu, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới và đối đầu giữa các khối sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh trong thế kỷ 21.

Ông đã đưa ra Sáng kiến an ninh toàn cầu với các nội dung chính như tuân thủ quan điểm an ninh chung, tổng hợp, hợp tác và bền vững; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng con đường phát triển và chế độ xã hội của các quốc gia; tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, từ bỏ tư tưởng Chiến tranh Lạnh, phản đối chủ nghĩa đơn phương; coi trọng mối quan tâm hợp lý về an ninh của các quốc gia; giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp giữa các nước thông qua đối thoại hiệp thương; phối hợp duy trì an ninh trong các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống.

Ông Tập cũng tái khẳng định sự phản đối của Trung Quốc đối với các biện pháp trừng phạt đơn phương và “quyền tài phán dài hạn”, đề cao “nguyên tắc an ninh bất khả phân chia”, “xây dựng cấu ​​trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, phản đối việc xây dựng an ninh quốc gia trên cơ sở gây mất an ninh ở quốc gia khác”. Đây là những điều mà Bắc Kinh từng nhiều lần nhấn mạnh trong quan điểm về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc cho rằng cần thúc đẩy phục hồi kinh tế và xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, “duy trì sự ổn định của chuỗi công nghiệp chuỗi cung ứng toàn cầu”, đồng thời khẳng định xu hướng tốt lên trong dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc là không thay đổi, bất chấp những khó khăn do tác động của các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 thời gian gần đây, đặc biệt là tại trung tâm kinh tế Thượng Hải.

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi duy trì hòa bình ở châu Á, thúc đẩy hợp tác và đoàn kết tại đây với việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Đây là bài phát biểu thứ 6 của Chủ tịch Trung Quốc tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Hơn 600 đại biểu đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự diễn đàn năm nay, trong đó có các nhà lãnh đạo của Israel, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Kazakhstan và Lào, cùng Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva.

Hơn 30 diễn đàn nhánh và các hoạt động liên quan sẽ được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị diễn ra từ 20-22/4 kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp, trong đó chủ yếu là các hoạt động trực tiếp, liên quan đến các nội dung như phòng chống dịch, kinh tế thế giới, phục hồi xanh và phát triển bền vững, kinh tế số, hợp tác quốc tế và quản trị toàn cầu, cũng như những phát triển mới trong hợp tác khu vực ở châu Á./.