Phát biểu tại Diễn đàn Hàng không vũ trụ quốc tế Văn Xương 2020 tổ chức tại Hải Khẩu (Trung Quốc) ngày 25/11, ông Hứa Hồng Lượng, Tổng thư ký Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, nước này sẽ lần lượt thực hiện các sứ mệnh của Hằng Nga 6, 7 và 8, đồng thời quy hoạch xây dựng Trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt Trăng.
Ông còn cho biết, chương trình đưa người vào vũ trụ của Trung Quốc sẽ không ngừng có những đột phá mới theo mục tiêu 3 bước, gồm tàu vũ trụ có người lái, phòng thí nghiệm không gian và trạm không gian.
Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu Bắc Đẩu của nước này cũng đã chính thức khai thông và ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, như thông tin, giao thông, du lịch. Hệ thống quan sát mặt đất với độ phân giải cao đã cơ bản hình thành và ứng dụng trong hơn 20 ngành nghề và tại tất cả các tỉnh thành ở Trung Quốc. Tính đến nay, nước này đã có hơn 160 doanh nghiệp hàng không vũ trụ thương mại.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, theo quan chức này, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã ký kết hơn 140 văn kiện hợp tác không gian với 44 cơ quan hàng không vũ trụ các nước và 4 tổ chức quốc tế, đồng thời triển trai hợp tác quốc tế rộng rãi trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng và sao Hỏa.
Trong lĩnh vực thăm dò các hành tinh, thiết bị thăm dò sao Hỏa "Thiên Vấn 1" do Trung Quốc phóng lên hồi cuối tháng 7 dự kiến sẽ đáp xuống hành tinh Đỏ vào tháng 5/2021. Trong tương lai, nước này sẽ tiếp tục tiến hành thăm dò các tiểu thiên thể, thu thập mẫu vật trên sao Hỏa và mang trở về Trái Đất, cùng các sứ mệnh liên quan đến sao Mộc và thám hiểm giữa các hành tinh./.