Hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là việc nước này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam tiếp tục khiến dư luận quốc tế hết sức lo ngại, đặc biệt là các nước ASEAN.

Tại các Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN, ASEAN+3 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Hội nghị quan chức cấp cao Đông Á (EAS) vừa diễn ra tại Yangon, Myanmar, vấn đề Biển Đông được các nước đặc biệt quan tâm.

Tàu Trung Quốc chủ động đâm tàu cá Việt Nam

Các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp và tình hình gia tăng căng thẳng hiện nay ở Biển Đông; nhấn mạnh yêu cầu phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Một nguồn tin ngoại giao Philippines cho biết, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đề nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhóm họp trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 8 tới đây, để đánh giá về tình hình căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông.

Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tăng cường các hành động phi lý về yêu sách của mình trên Biển Đông. Nguồn tin trên nhấn mạnh, đây sẽ là hội nghị đặc biệt cấp Bộ trưởng chỉ tập trung riêng vào vấn đề Biển Đông, đồng thời cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN hiện đang tiến hành tham vấn để ấn định địa điểm và thời gian tổ chức cuộc gặp.

Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế tiếp tục chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông liên quan việc nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trên tạp chí Asia Times, chuyên gia Tim Kumpe thuộc Đại học Goethe tại thành phố Frankfurt của Đức nhận định: “Trung Quốc cần ASEAN để hiện thực hóa giấc mơ phát triển, nhưng lại xâm hại rất nhiều thành viên ASEAN.

Bắc Kinh cần phải hiểu rằng nước này cần đồng minh chứ không thể một mình một đường. Nhưng Trung Quốc dường như quên mất nguyên tắc cơ bản này”.

Theo chuyên gia Kumpe, các hành động hiếu chiến của Trung Quốc chỉ khiến các nước khu vực buộc phải tăng cường vũ trang để đối phó với nguy cơ bị xâm lược.

Mới đây thẩm phán Antonio T. Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines chỉ rõ rằng, Trung Quốc không hề có “cơ sở lịch sử” gì để khẳng định chủ quyền 90% biển Đông.

Ông Antonio T. Carpio cho biết Trung Quốc liên tục “ra rả” giọng điệu rằng chủ quyền biển Đông “dựa trên sự thật lịch sử”. Tuy nhiên tất cả các bản đồ thời cổ của Trung Quốc và các nước khu vực đều ghi rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam./.