Nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm hữu nghị chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 19 đến 21/6. Nhân dịp này, Đại sứ nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam Khổng Huyễn Hựu trả lời phỏng vấn VOV và các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam nội dung liên quan tình hình quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng như phương hướng tiếp tục tăng cường và củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới. 

 

dai-su-trung-quoc.jpg
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyền Hựu (Ảnh: QĐND)

PV: Xin Đại sứ đánh giá về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay?

Đại sứ Khổng Huyễn Hựu: Từ đầu năm đến nay, dưới sự nỗ lực của hai bên, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Việt tiếp tục duy trì đà phát triển.

Một là, hai bên duy trì đều đặn các chuyến viếng thăm cấp cao. Tháng 3 năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm qua đường dây nóng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tháng 5 vừa qua, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cùng với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị lần thứ 6 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung-Việt tại Bắc Kinh. Tháng 6, Phó Thủ tướng Mã Khải và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có cuộc gặp trong thời gian diễn ra Hội chợ triển lãm Trung Quốc-Nam Á tại Côn Minh (Trung Quốc). Lãnh đạo hai nước đã trao đổi ý kiến và đạt được những nhận thức quan trọng về việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau, tăng cường hợp tác, giải quyết các bất đồng. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hai là, tăng cường giao lưu giữa hai đảng và các bộ ngành. Để tăng cường trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, năm nay, hai nước sẽ tổ chức hội thảo về nghiên cứu lý luận lần thứ 9, phía Trung Quốc tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo cán bộ phụ trách công tác đảng. Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành như ngoại giao, quốc phòng, công an… tiếp tục phát huy hiệu quả. Quân đội hai nước mới đây đã tổ chức cuộc tham vấn an ninh quốc phòng lần thứ 7. Giao lưu hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh biên giới không ngừng đi vào chiều sâu.

Ba là, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại. Kim ngạch thương mại song phương không ngừng tăng lên theo từng năm. Trong 9 năm liền, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương 5 tháng đầu năm nay đã đạt 18,9 tỷ USD sau khi vượt mốc 40 tỷ USD trong năm 2012, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Hai bên hy vọng có thể thực hiện mục tiêu mà lãnh đạo hai nước đặt ra vào năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt mốc 60 tỷ USD. Việc hai nước ký kết biên bản ghi nhớ các hạng mục hợp tác trọng điểm của “Quy hoạch 5 năm về phát triển hợp tác thương mại 2012-2016” và “Biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại các sản phẩm nông nghiệp Trung-Việt” đã thúc đẩy Trung Quốc xây dựng khu hợp tác kinh tế thương mại tại Việt Nam, tăng cường hợp tác “một vành đai hai hành lang kinh tế” và hai bên đang thảo luận về các dự án giao thông kết nối như tuyến đường cao tốc Bằng Tường-Hà Nội…

Bốn là, tăng cường giao lưu nhân dân. Các hoạt động như: diễn đàn nhân dân, giao lưu giữa thanh niên hai nước… đã đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm du khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt con số 1 triệu lượt người. Phía Trung Quốc hàng năm cung cấp 150 suất học bổng, do chính phủ Trung Quốc tài trợ cho Việt Nam. Với hơn 1.600 lưu học sinh học tập tại Trung Quốc trong năm 2012, Việt Nam trở thành nước đứng thứ 4 về số lượng lưu học sinh học tập tại Trung Quốc.

Năm là, về vấn đề trên biển, hai bên đều thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo hai nước và “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, nỗ lực duy trì ổn định trên biển; thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển trong lĩnh vực ít nhạy cảm, đồng thời thiết lập cơ chế làm việc tương xứng và đã thảo luận về 3 dự án hợp tác ưu tiên, trong đó có tìm kiếm cứu nạn trên biển.

PV: Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ 19 đến 21/6, Đại sứ đánh giá như thế nào về chuyến thăm?

Đại sứ Khổng Huyễn Hựu: Nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ thăm chính thức Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch Trương Tấn Sang, và cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ sau khi Trung Quốc có tập thể lãnh đạo mới. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, phía Trung Quốc hết sức coi trọng chuyến thăm này. Hiện nay, quan hệ Trung-Việt đã có những tiến triển quan trọng, đứng trước nhiều cơ hội song vẫn còn tồn tại những vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng, hai bên sẽ xuất phát từ đại cục quan hệ Trung-Việt và sự phát triển của mỗi nước để thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, trên cơ sở nhận thức chung về tăng cường xây dựng tin tưởng về chính trị, mở rộng hợp tác, giải quyết thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại. Chúng tôi sẵn sàng cùng với phía Việt Nam nỗ lực làm tốt mọi công việc chuẩn bị để bảo đảm chuyến thăm của chủ tịch Trương Tấn Sang thành công tốt đẹp.

PV: Xin hỏi, tập thể lãnh đạo khóa mới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Trung như thế nào?

Đại sứ Khổng Huyễn Hựu: Tập thể lãnh đạo khóa mới của Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ giữa hai đảng hai nước, sẽ trước sau như một cùng với Đảng và Chính phủ Việt Nam kiên trì phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tôi cho rằng, hai bên có thể thúc đẩy quan hệ trên các mặt sau:

Một là, tăng cường giao lưu. Tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao với nhiều hình thức khác nhau; phát huy tối đa vai trò điều phối của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương; thực hiện tốt cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành: ngoại giao, quốc phòng, công an, giữa cơ quan tuyên truyền, đối ngoại của hai đảng; làm sâu sắc thêm quan hệ giao lưu và hợp tác giữa các bộ ngành, các lĩnh vực và các địa phương.

Hai là, mở rộng hợp tác. Thực hiện tốt “Quy hoạch 5 năm về phát triển hợp tác kinh tế thương mại Trung-Việt”, nâng cao mức độ và quy mô hợp tác song phương. Thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng cân bằng bền vững, phía Trung Quốc sẵn sàng tạo điều kiện để nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam; ủng hộ doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác lâu dài đối với các dự án công nghiệp và cơ sở hạ tầng trọng điểm, tích cực triển khai các hạng mục hợp tác đã xác định; thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác kinh tế thương mại tại Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư; thúc đẩy hợp tác nguồn nhân lực hai nước.

Ba là, tăng cường giao lưu nhân dân. Mở rộng giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực như văn hóa, thông tin, giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch, y tế… Tiếp tục triển khai các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa thanh thiếu niên hai nước, tổ chức tốt các diễn đàn nhân dân, các hoạt động giao lưu của nhân dân khu vực biên giới, giao lưu văn hóa văn nghệ…, khuyến khích các đoàn văn hóa nghệ thuật Trung Quốc sang Việt Nam biểu diễn.

Bốn là, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển; thực hiện tốt các nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đã đạt được và “thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” giữa hai nước, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh thông qua cơ chế đàm phán và tiếp xúc liên lạc hiện nay, tích cực thúc đẩy hợp tác và cùng nhau khai thác, góp phần vào việc duy trì và phát triển quan hệ hai nước.

Năm là, phối hợp tốt trên các diễn đàn đa phương. Tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, cơ chế hợp tác giữa ASEAN và các nước đối thoại, tổ chức hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác tiểu vùng sông Mekong…, bảo vệ lợi ích chung của hai nước cũng như của các quốc gia đang phát triển.

PV: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp như hiện nay, theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để giải quyết ổn thỏa các vấn đề còn tồn tại?

Đại sứ Khổng Huyễn Hựu: Vấn đề trên biển là một vấn đề tồn tại chưa được giải quyết trong quan hệ hai nước, là trở ngại nhất định đối với sự phát triển của quan hệ hai nước và đây là điều mà cả hai nước không mong muốn. Đây là vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm, để giải quyết triệt để cần có thời gian. Để từng bước giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, lãnh đạo hai nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng, hai bên đã ký “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam” mà nòng cốt là xuất phát từ đại cục hữu hảo giữa hai nước, thông qua đàm phán giải quyết, không để ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước, tạo môi trường phát triển tốt cho mỗi nước. Căn cứ vào nhận thức cấp cao của hai bên, hai nước đã thiết lập cơ chế đàm phán cấp chuyên gia và cấp chính phủ, đồng thời luôn duy trì tiếp xúc và hiện đã đạt những tiến triển tích cực.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, hai nước chúng ta đều là nước xã hội chủ nghĩa và là láng giềng của nhau, đều đang ở vào giai đoạn mấu chốt của cải cách và phát triển, việc củng cố quan hệ hợp tác cùng có lợi Trung-Việt phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho việc gìn giữ và phát triển sự nghiệp Xã hội chủ nghĩa và cũng có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Hai bên nên xuất phát từ đại cục này, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước và thỏa thuận đã ký kết, giải quyết có hiệu quả các bất đồng, tích cực hợp tác sâu rộng, nỗ lực duy trì ổn định, thì nhất định sẽ xử lý và giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển./.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!