Chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc từ ngày 19-21/6/2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam mong muốn củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài với Trung Quốc; coi Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đây là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc - Nguyễn Văn Thơ trong buổi gặp gỡ với báo chí Việt Nam và Trung Quốc diễn ra sáng 17/6 tại Bắc Kinh.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ khẳng định, chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi Trung Quốc có Ban lãnh đạo khóa mới, hơn nữa lại diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến rất nhanh chóng và phức tạp; cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đang ở giai đoạn then chốt trong sự nghiệp đổi mới và cải cách mở cửa, chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều mặt: Chuyến thăm sẽ là dịp quan trọng để lãnh đạo cấp cao hai bên nhìn lại một cách toàn diện quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua và đề ra các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để hai bên có thể trao đổi nhằm xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước trên tinh thần xây dựng, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.  

 

dai-su_copy.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc - Nguyễn Văn Thơ (ảnh: Tiền Phong)

 

 

Ngoài ra, chuyến thăm là cơ hội rất tốt để lãnh đạo cấp cao hai nước gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và chân thành với nhau qua đó tăng cường hơn nữa tình cảm láng giềng hữu nghị, đồng chí - anh em và sự hiểu biết, tin cậy chính trị. Đây là điều kiện rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài của quan hệ Việt – Trung.

Đánh giá về tình hình quan hệ hai nước trong thời gian qua, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho biết, kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1991 đến nay, tuy còn một số bất đồng, song hợp tác và hữu nghị vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước. Hai bên duy trì các chuyến thăm viếng lẫn nhau thường xuyên liên tục ở mọi cấp độ. Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư đạt được nhiều thành tựu mới và có những bước tăng trưởng vượt bậc. Bên cạnh đó, giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa-giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân… tiếp tục được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu.

Về bất đồng giữa hai nước trong vấn đề biển Đông, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho biết, đây là vấn đề lớn, khó khăn và lâu dài. Lập trường của hai bên còn khác nhau. Lập trường của Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán. Tuy đó không phải là toàn bộ quan hệ hai nước nhưng là một thực tế khách quan, không thể né tránh. Nếu không xử lý ổn thỏa vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới đại cục quan hệ hai nước, đến hoà bình, ổn định ở khu vực. Lãnh đạo cấp cao hai nuớc đã đạt được Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển trên cơ sở kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, trao đổi thẳng thắn, bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, tiến tới COC.

Trên tinh thần “dễ trước, khó sau, tuần tự tiệm tiến”, hai bên đã tiến hành được một số vòng đàm phán của Nhóm công tác về khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy việc phân định khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ và nghiên cứu về hợp tác cùng phát triển ở khu vực này. Hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận về 3 dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Ngoài ra, việc bảo đảm ngư dân Việt Nam được tự do đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống ở Biển Đông là điều rất quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và tâm tư tình cảm của nhân dân Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ bày tỏ hy vọng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lên một bước mới, hiệu quả và thực chất hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới./.