Phát biểu trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng được cho là nhằm đáp trả những chỉ trích của ông Mark Esper – người được đề cử vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về việc Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện tại đây.
Trung Quốc khẳng định quản lý Bắc Cực đòi hỏi sự tham gia và cống hiến của tất cả các bên có lợi ích liên quan. Ảnh: Reuters |
Người phát ngôn Lục Khảng cho biết, vấn đề Bắc Cực không chỉ liên quan đến riêng các quốc gia Bắc Cực mà còn có tầm ảnh hưởng và ý nghĩa toàn cầu, do đó việc quản lý Bắc Cực đòi hỏi sự tham gia và cống hiến của tất cả các bên có lợi ích liên quan.
Ông Lục Khảng cho rằng, đây không phải là lần đầu một vài cá nhân phía Mỹ đưa ra những chỉ trích vô lý về việc Trung Quốc tham gia các vấn đề sự vụ ở Bắc Cực, những phát ngôn này hoàn toàn không đúng với thực tế và đi ngược với xu thế hợp tác hòa bình tại đây. Trung Quốc có thể phát huy vai trò mang tính xây dựng, cũng như mong muốn cùng các bên thúc đẩy Bắc Cực hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Ông Lục Khảng nói: “Là một bên có lợi ích liên quan, Trung Quốc sẽ không việt vị tham gia vào các vấn đề thuộc nội bộ khu vực Bắc Cực, tuy nhiên đối với các vấn đề xuyên khu vực và toàn cầu, sẽ không thiếu sự có mặt của Trung Quốc”.
Hôm qua (17/7), ông Mark Esper – người được đề cử vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, nước Mỹ đang phải đối mặt với các nguy cơ chiến lược từ Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực. Mặc dù Trung Quốc không có yêu sách về lãnh thổ tại Bắc Cực nhưng nước này đang ngày càng tìm cách tham gia quản trị các vấn đề sự vụ tại đây. Ông Esper cho rằng, Trung Quốc có thể áp dụng sách lược kinh tế mang tính chiếm đoạt tại Bắc Cực nhằm thúc đẩy lợi ích của mình.Trước phát biểu của ông Mark Esper thì trong báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về Chiến lược Bắc cực của nước này (6/6) cũng chỉ rõ việc Nga và Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Bắc Cực là mối đe dọa đối với Mỹ./.
Tranh giành chủ quyền tại Bắc Cực có trở thành cuộc chiến quy mô lớn?