Nhiệt độ đang tăng mạnh ở khu vực vòng tròn Bắc cực. Từng một thời rất khó đi lại và ít người lai vãng, giờ khu vực này đã trở thành nơi tranh giành quyền kiểm soát quyết liệt giữa các cường quốc toàn cầu.
Thế trận chủ động của Nga ở Bắc cực
Đầu tháng 4/2019, chính phủ Nga đã khiến Mỹ đứng ngồi không yên bằng việc tuyên bố chủ quyền đối với Tuyến đường Biển Bắc (NSR). Tuyến đường thủy này, trải dài từ biên giới Nga với Na Uy tới Eo biển Bering giữa Siberia và Alaska, là một trong các huyết mạch thương mại mới nổi của thế giới.
Tổng thống Nga Putin đi thị sát thực địa. Ảnh: Reuters. |
Một bộ luật mới của Nga sẽ đòi hỏi tất cả các chiến hạm nước ngoài sử dụng tuyến đường biển trên phải xin phép Nga trước ít nhất là 45 ngày, và Moscow có toàn quyền đồng ý hoặc khước từ. Trong trường hợp tàu quân sự nước ngoài cố tình đi qua đây mà chưa được cấp phép, Nga có thể bắt giữ các tàu xâm nhập hoặc thậm chí phá hủy các tàu đó.
Phần lớn tuyến hàng hải NSR đi qua “vùng đặc quyền kinh tế” của Nga – đây là một dải nước 200 dặm, nơi Moscow có thể định hình các quy tắc. Nhưng những phần khác của tuyến đường thủy này, đáng chú ý là Eo biển Bering, nằm ở vùng biển quốc tế, nơi tàu chiến nước ngoài thường được bảo đảm qua lại an toàn.
Luật trên cho thấy Nga đã muốn chủ động hình thành cuộc chơi với các cường quốc khác trong khu vực này. Khi Tư lệnh Hải quân Mỹ James Foggo tuyên bố vùng Bắc cực là “khu hồ chẳng thuộc về ai”, ông ta đã bị các chính trị gia Nga châm chọc.
Khi tình trạng biến đổi khí hậu làm cho dải băng ở đây tan chảy, các cơ hội thương mại liền được mở ra. Băng tan tại các vùng biển sẽ giúp các nước vùng Bắc cực khai thác các nguồn hydrocarbon to lớn của vùng này. Tuyến đường biển NSR cũng có tiềm năng trở thành hành lang hàng hải chính, giúp giảm một nửa thời gian đi lại từ Trung Quốc sang châu Âu. Moscow có thể thu vô số tiền từ phí quá cảnh cùng dịch vụ tàu phá băng hộ tống các tàu bè qua đây.
Tuy nhiên, khu vực này khi ấy cũng có nguy cơ trở thành một điểm nóng địa chính trị lớn.
Trong vài năm lại đây, Nga đã mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình ở cực bắc, nơi họ có nhiều căn cứ lục quân và không quân. Quân đội Nga có các tàu ngầm, máy bay và xe tăng mới – tất cả đều được thiết kế theo hướng phục vụ tác chiến ở Bắc cực.
Ngoài một hạm đội 40 tàu phá băng, Nga còn đang đóng thêm 8 chiếc tàu loại này nữa, bao gồm 2 chiến hạm có năng lực phá băng được vũ trang bằng tên lửa hành trình. Các tàu này cho phép hải quân Nga phản ứng lại các mối đe dọa an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, và bảo vệ các tuyên bố Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này.
Hồ sơ: Bí mật căn cứ tên lửa hạt nhân ngầm của Mỹ ở vùng Bắc cực
Mỹ lép vế ở Bắc cực
Trái lại, quân đội Mỹ được trang bị rất yếu kém cho các sứ mệnh ở vùng cực, khiến cho họ nhận phải sự dè bỉu của các chuyên gia quân sự Nga. Quân đội Mỹ thiếu một căn cứ lớn nằm về phía bắc của vòng Bắc cực, hoặc bất cứ máy bay và tàu chiến nào có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết thấp đặc trưng của Bắc cực.
Hạm đội phá băng của hải quân Mỹ hiện chỉ có 2 chiếc tàu. Đã thế những tàu này lại đang trong tình trạng tệ hại đến mức nguy hiểm.
Tàu Polar Star – tàu phá băng hạng nặng duy nhất của Mỹ, thoát thảm họa trong gang tấc vào năm 2018 sau khi nước băng bắt đầu xối vào thân của chiếc tàu đã 42 tuổi. Ba năm trước đó, các kỹ sư của tàu cũng đã phải sửa chữa một bộ phận của tàu sau khi một máy phát điện phát nổ.
Cuối cùng vào năm 2018 Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn việc cấp ngân sách cho một con tàu mới trị giá 750 triệu USD, nhưng Hạ viện Mỹ đã lại chuyển khoản ngân sách này cho dự án xây tường biên giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sự mất cân bằng về sức mạnh có khả năng khiến cho quân đội Mỹ khó có thể phản ứng lại các tình huống khủng hoảng ở vùng Bắc cực. Các lực lượng Nga tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế Mỹ hoặc phô diễn sức mạnh có thể đẩy quân đội lớn nhất thế giới (tức quân đội Mỹ) vào thế luống cuống bị động.
Vào năm 2017, Đô đốc Mỹ Paul Zukunuft cảnh báo quốc hội nước này rằng quân đội Nga có thể mở rộng ảnh hưởng của họ lên hơn 5 triệu dặm vuông trên vùng biển Bắc cực.
Mọi thứ vẫn đang ở phía trước
Hiện vẫn phải chờ xem liệu thế trận mà Moscow triển khai ở Bắc cực có mang lại kết quả cụ thể nào không. Nhiệt độ ấm hơn ở đây có thể khiến việc khai thác khoáng sản dễ dàng hơn nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ (hạn chế mức độ tiếp cận của Nga đối với công nghệ khoan ngoài khơi ở Bắc cực) có thể làm phức tạp tính khả thi cho các hoạt động khai thác của Nga.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ tuyến đường NSR, như các cảng được nâng cấp cho tàu thương mại, vẫn sẽ chưa sẵn sàng trong ít nhất là một thập kỷ nữa. Chi phí cao ngất ngưởng có thể khiến cho chính phủ Nga đang bị kẹt về tiền mặt có thể phải chịu nhường thế ngự trị sớm của họ cho Trung Quốc – quốc gia đã công bố vào năm 2018 kế hoạch mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường của họ lên Bắc cực.
Trong tương lai gần, vùng Bắc cực với tư cách là tuyến hàng hải sẽ chưa thể có tầm quan trọng địa chính trị như Biển Đông hay kênh đào Suez. Nhưng các nước lớn đều đã nhòm ngó đến vùng này và tính tới kịch bản băng ở đây sẽ tan nhiều hơn, khiến việc khai thác nguồn lợi của vùng này trở nên dễ dàng hơn./.