Động thái này được cho là phản ứng trước việc lực lượng dân quân thân Iran tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ, các lợi ích của Mỹ tại Iraq. Nó diễn ra khi Washington và Tehran đang xem xét quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.
Mỹ có vẻ như đã lựa chọn mục tiêu một cách kỹ lưỡng, ngay ở khu vực biên giới của Syria chứ không phải trong lãnh thổ Iraq. Đó là cách để Tổng thống Mỹ Joe Biden báo hiệu rằng ông sẽ cứng rắn với Iran trong khi tránh được một phản ứng có thể phá vỡ thế cân bằng tại Iraq và gây ra một cuộc đối đầu quy mô lớn. Hơn nữa, Syria – nơi sa lầy trong cuộc nội chiến suốt 1 thập kỷ qua, thường đóng vai trò như một chiến trường ủy nhiệm cho các cường quốc trên thế giới.
Ai là mục tiêu của cuộc tấn công?
Cuộc không kích của Mỹ ngày 26/2 tại Syria nhằm vào một trong những lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn mạnh mẽ nhất ở Trung Đông, có tên gọi Kataeb Hezbollah, hay Lữ đoàn Hezbollah. Nhóm này là một nhánh của Lực lượng Huy động Phổ biến với phần lớn thành viên là dân quân Iraq.
Kataeb Hezbollah được thành lập sau cuộc chiến lật đổ chế độ của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein do chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George Bush phát động hồi năm 2003. Dù khác với lực lượng Hezbollah ở Lebanon nhưng cả hai bên lại là các đồng minh mạnh mẽ của nhau. Trong những năm gần đây, Kataeb Hezbollah đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và trợ giúp quân đội của Tổng thống Syria Bashar Assad trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.
Kataeb Hezbollah do Abu Mahdi al-Muhandis – một chiến binh kỳ cựu của Iraq và có quan hệ chặt chẽ với Iran thành lập. Tuy nhiên, nhân vật này đã bị thiệt mạng cùng với Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái do Mỹ tiến hành vào tháng 1/2020.
Trước đó vào tháng 12/2019, một cuộc không kích của Mỹ dọc theo biên giới giữa Iraq và Syria đã khiến 25 tay súng của Kataeb Hezbollah thiệt mạng và hàng chục tay súng khác bị thương. Washington coi đây là hành động trả đũa cho cái chết của một nhà thầu quân sự Mỹ trong vụ tấn công bằng tên lửa mà nước này cáo buộc Kataeb Hezbollah tiến hành.
Thông điệp cứng rắn với Iran?
Theo giới phân tích, với cuộc tấn công này, Mỹ muốn gửi tới Iran thông điệp rằng Washington sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công chống lại lợi ích của Mỹ tại Trung Đông, đồng thời để ngỏ cách cửa đàm phán giữa hai nước. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Houston ngày 27/2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ngày 27/2 nhấn mạnh: "Các ông không thể hành động mà không bị trừng phạt. Hãy cẩn thận".
Vụ không kích diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt với một lộ trình thiếu chắc chắn trong nỗ lực khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà cựu Tổng thống Trump đã từ bỏ.
Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ với Iran đã leo thang căng thẳng khi các lực lượng do Iran hỗ trợ ngày càng hành động táo bạo hơn. Những nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn đã gia tăng tấn công các lợi ích của Mỹ và đồng minh. Điều này làm dấy lên lo ngại sự bế tắc trong quan hệ giữa Washington và Tehran có thể “châm ngòi nổ” tại Iraq.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Iraq đang được xem như “bàn đạp” cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. AP dẫn nguồn tin từ một quan chức của Mỹ và một thành viên của Iraq trong lực lượng do Iran hậu thuẫn cho biết, vào tháng 1/2021, các máy bay không người lái mang theo chất nổ đã bay từ lãnh thổ Iraq và nhắm vào cung điện hoàng gia của Saudi Arabia.
Cuộc tấn công có gây ra xung đột quy mô lớn?
Theo giới phân tích điều này rất khó xảy ra. Quyết định không kích Syria của chính quyền Tổng thống Biden không cho thấy ý định mở rộng sự can dự của quân đội Mỹ trong khu vực mà thực chất là để bảo vệ quân đội Mỹ tại Iraq đồng thời tránh tình huống khó xử cho chính phủ Iraq- một đồng minh của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, cuộc không kích tại Boukamal, Syria, gửi đi một thông điệp rõ ràng: “Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ các binh sỹ của Mỹ và liên quân. Đồng thời, chúng tôi cũng hành động một cách thận trọng nhằm tránh gây leo thang căng thẳng tại miền Đông Syria và Iraq ”.
Abdulkader Dwehe – nhà nghiên cứu về Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, quyết định không kích Syria là một lựa chọn khôn khéo.
“Nếu chính quyền Biden không kích ở Iraq thì điều này sẽ gây khó xử cho đồng minh, đồng thời mở ra một cuộc giao tranh rất khó chấm dứt. Với cuộc không kích Boukamal – họ có lẽ muốn gửi đi thông điệp về chính trị thay vì thông điệp về quân sự”.
Cùng chung quan điểm này, Phillip Smyth, chuyên gia tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, cho biết: “Đây là động thái có ý nghĩa của chính quyền Biden bởi nó báo hiệu cho Tehran rằng chính quyền mới của Mỹ sẵn sàng tấn công các mục tiêu có liên hệ với Iran tại bất cứ nơi nào ở Trung Đông. Chính quyền Biden có lẽ muốn nói nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đã vào cuộc”.
Theo chuyên gia này, Tổng thống Biden đã chọn cách phù hợp để gửi thông điệp mà không khiến Iraq tức giận. Việc không kích vào các cơ sở ủy nhiệm của Iran tại Iraq, như thời chính quyền Tổng thống Trump, sẽ bị Baghdad coi là một hành động xâm phạm chủ quyền. Vì thế, tấn công một cơ sở vũ khí tại Syria sẽ tránh được vấn đề đó.
Tuy vậy, nhiều nhà phân tích khác, trong đó có chuyên gia Phyllis Bennis của Viện Nghiên cứu Chính sách nhận xét: “Quyết định không kích Syria là khiêu khích và vô cùng nguy hiểm”.
Bước đi táo bạo của chính quyền Biden
Câu hỏi đặt ra là cuộc không kích này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực của chính quyền Biden trong việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Mỹ đã nhất trí tham gia một cuộc đàm phán không chính thức với Iran do Liên minh châu Âu làm trung gian, nhưng Iran cho biết họ vẫn đang xem xét đề nghi này. Và Tehran có thể hủy bỏ các cuộc đàm phán trong tương lai sau hành động của chính quyền Biden.
Mặc dù vậy có vẻ như Tổng thống Biden đã tính toán rằng việc bảo vệ quân đội Mỹ đang hoạt động tại Trung Đông khỏi các cuộc tấn công của các lực lượng do Iran hậu thuẫn được ưu tiên hơn so với tiến trình ngoại giao đó. Với cách tiếp cận này, ông đã trở thành vị tổng thống mới nhất ra lệnh cho một chiến dịch quân sự ở Trung Đông.
Trong những tuần đầu lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thể hiện rõ ý định tập trung đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc, dù các mối đe dọa với lợi ích của Mỹ vẫn tồn tại ở Trung Đông. Thế nhưng cuộc không kích nói trên đã chứng minh rằng, Trung Đông không bao giờ rời xa chương trình nghị sự của tân tổng thống Mỹ./.