Theo AFP, Lầu Năm Góc đã nêu lên quan điểm trên trong một tài liệu chiến lược mới nhất của mình đưa ra ngày 4/3.

Mô tả chính thể tại Bình Nhưỡng là “bế quan và độc tài”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện số đông tại khu vực Đông Bắc Á và tiếp tục đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa.

scud_copy.jpg
Mẫu tên lửa Scud mà Triều Tiên bắn thử tại một khu vực trưng bày tại Hàn Quốc (Ảnh AFP)

Triều Tiên đang là “một mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á và gây ra mối đe dọa trực tiếp tới Mỹ”, tài liệu chiến lược này cho biết.

Cũng theo tài liệu này, lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với quân đội Hàn Quốc để “ngăn chặn và phòng thủ chống lại sự khiêu khích của Triều Tiên”.

Tài liệu này được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đang khoa trương sức mạnh quân sự của mình thông qua việc bắn các tên lửa tầm ngắn Scud 3 lần chỉ trong vòng 1 tuần qua về phía biển nước này.

Việc bắn tên lửa này diễn ra trùng với thời điểm của cuộc tập trận Mỹ-Hàn mà Bình Nhưỡng lên tiếng phản đối.

Bản báo cáo này nói thêm rằng Mỹ sẽ tìm cách chống lại các mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo tại Iran và Triều Tiên cũng như vạch ra các kế hoạch nâng số hệ thống đánh chặn tên lửa tại Mỹ từ 30 lên 44 trong khi đầu tư phát triển hệ thống phát hiện tên lửa hiện đại hơn.

Ngoài ra Mỹ cũng định thiết lập một hệ thống radar giám sát thứ 2 tại Nhật Bản để có thể đưa ra cảnh báo sớm về bất cứ một loại tên lửa nào phóng đi từ Triều Tiên.

Trong khi đó, Triều Tiên đang tiến hành phát triển các chương trình tên lửa của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự bày tỏ nghi ngờ về việc nước này tuyên bố đã phát triển thành công một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Để duy trì ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quân đội Mỹ sẽ “duy trì một số lượng lớn binh lính tại Đông Bắc Á trong khi tăng cường sự hiện diện tại châu Đại Dương và Đông Nam Á, tài liệu này cho biết.

Mặc dù chiến lược “tái cân bằng” tại châu Á-Thái Bình Dương đã bị chỉ trích là thổi phồng quá mức cần thiết, các quan chức cao cấp Lầu Năm Góc vẫn khẳng định rằng tài liệu cùng với bản dự thảo ngân sách mà họ đưa ra ngày 4/3 thể hiện rõ cam kết dịch chuyển của Mỹ.

Các quan chức Mỹ viện dẫn các kế hoạch đóng tàu, điều động quân đội đến Australia và việc mở rộng quy mô các cuộc tập trận chung là những bằng chứng cho tuyên bố trên của họ.

Ngoài ra, quân đội Mỹ vẫn sẽ duy trì sự hiện diện của mình tại Trung Đông và vùng Vịnh với 35.000 quân đồn trú./.