Theo Reuters, các chuyên gia ngoại giao Mỹ và Triều Tiên đã đưa ra khuyến cáo trên trong bản báo cáo đưa ra ngày 26/2.

Mỹ cần mềm mỏng hơn

Bản báo cáo chung từ hai trung tâm nghiên cứu là Mạng lưới An ninh Quốc gia và Ủy ban Quốc gia về Triều Tiên cho biết Washington cần phải thay đổi biện pháp tiếp cận “được ăn cả ngã về không” của mình trong việc yêu cầu Bình Nhưỡng phải đáp ứng toàn bộ các điều kiện để có thể nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân của Triều Tiên với các nước trên thế giới đã từng bị gián đoạn vào năm 2009.
Cuộc đoàn tụ gia đình liên Triều, một động thái nhượng bộ hiếm hoi của Triều Tiên đối với Hàn Quốc (Ảnh Reuters)

Biện pháp tiếp cận hiện nay của Mỹ mới chỉ dừng ở việc liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên thông qua một đại diện của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc. Điều này cho phép Triều Tiên đóng vai trò chủ động trong việc lên lịch trình các cuộc đàm phán trên trong khi đáng lẽ ra Mỹ phải làm việc này, báo cáo trên cho biết.

“Việc từ chối tiền hành các biện pháp mở đầu của Mỹ sẽ dẫn đến việc các nước cho rằng Mỹ ngầm chấp thuận hiện trạng hiện nay về hạt nhân của Triều Tiên”, báo cáo trên cho biết.

Cũng theo báo cáo này: “Các biện pháp ban đầu nói trên ngay lập tức sẽ trả lại vị thế cho Mỹ cũng như tạo ra các bước đi cụ thể nhằm tiến hành việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.

Năm 2005, Triều Tiên đã cam kết ngừng chương trình hạt nhân của nước này, tuy nhiên Triều Tiên đã không hoàn toàn tuân thủ cam kết trên khi đã tiến hành thử các thiết bị hạt nhân vào năm 2006 và 2009.

Các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ đã bắt đầu vào năm 2003 tuy nhiên đã bị gián đoạn sau khi Triều Tiên bị cáo buộc phóng một tên lửa đạn đạo.

Báo cáo của các chuyên gia nói trên thúc giục Mỹ và các nước khác cần tăng cường nỗ lực liên lạc với các quan chức Triều Tiên nhằm xây dựng mội mối quan hệ tốt đẹp.

Báo cáo này cũng cho rằng chính quyền của ông Obama cần chỉ định một quan chức cấp cao có khả năng đảm thành công của các cuộc gặp cấp cao của Mỹ tại Triều Tiên.

Các biện pháp ban đầu

Tiến trình này có thể bắt đầu thông qua việc mở rộng đàm phán về các vấn đề khác như nhân đạo, giáo dục và môi trường với Triều Tiên, một điều mà Hàn Quốc đã rất sẵn sàng tham gia.

Một biện pháp mà báo cáo này cho rằng sẽ giúp Mỹ và Triều Tiên tăng cường hiểu biết lẫn nhau là việc Mỹ sẽ cấp visa cho người Triều Tiên không tham gia vào các hoạt động an ninh hoặc các lĩnh vực nhạy cảm khác.

Báo cáo trên cũng kêu gọi việc thiết lập lại phái đoàn Mỹ-Triều Tiên để tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên như một cách “xây dựng mối quan hệ trực tiếp giữa quân đội hai nước”.

Có hơn 8.100 binh lính Mỹ bị mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tuy nhiên, vào năm 2005, Lầu Năm Góc nghi ngờ thiện chí của Bình Nhưỡng trong việc tạo điều kiện cho quân dân Mỹ tìm kiếm tại Triều Tiên.

juche.jpg
Tháp Jechu nhìn từ trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh Reuters)

Báo cáo này cũng thúc giục Mỹ ủng hộ đề xuất của Hàn Quốc trong việc thành lập Sáng kiến An ninh và Hòa Bình Đông Bắc Á, một diễn đàn đa phương bao có sự tham dự của Triều Tiên để bàn về những vấn đề ít nhạy cảm hơn như môi trường, khắc phục thảm họa thiên nhiên và an ninh hạt nhân.

Những lời kêu gọi từ trong lòng nước Mỹ

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Christopher Hill, người từng đứng đầu phái đoàn Mỹ tham gia các cuộc đàm phán với Triều Tiên, cho rằng việc thất bại trong việc liên lạc với Triều Tiên sẽ gây “phản tác dụng”.

“Sự giận dữ không phải là một chính sách tốt”, ông Hill chia sẻ quan điểm về việc Mỹ chỉ trích Triều Tiên phản đối việc tham gia vào các cuộc đàm phán.

“Anh càng nói nhiều về họ, họ lại càng quen với việc đó”, ông Hill nhấn mạnh.

Ông Hill nói thêm rằng trong khi Triều Tiên chưa thể đe dọa Mỹ với số vũ khí hạt nhân mà họ có thì điều đó cũng không có nghĩa là họ không có ý định làm việc này.

“Việc phớt lờ điều này hoặc không tiến hành các biện pháp ứng phó với nó sẽ không giúp những mối đe dọa này tự nhiên mất đi. Đến một lúc nào đó nó sẽ đe dọa trực tiếp đến chúng ta”, ông Hill khẳng định.

Giám đốc Điều hành Trung tâm Mạng lưới An ninh Quốc gia John Bradshaw cho biết báo cáo trên sẽ được trình lên Quốc hội, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ.

“Chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ lại rơi vào tình cảnh khó khăn hiện nay hoặc thậm chí còn tệ hơn nhiều trong vài năm tới”, ông Bradshaw nói.

Hạ nghị sỹ Eliot Engel, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết Mỹ cần phải giữ nguyên cam kết phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên “bất chấp những vấn đề cản trở tiến trình này”.

“Chúng ta không được từ bỏ chính sách này vì điều này đồng nghĩa với việc Mỹ chấp thuận một Triều Tiên sở hữu hạt nhân”, ông Engel nói./.