Tờ Wall Street Journal đưa tin, Triều Tiên dường như đã kích hoạt lại một lò phản ứng sản xuất plutonium tại Yongbyon. Lò phản ứng này đã ngừng hoạt động kể từ tháng 12/2018.
Trong một bản báo cáo thường niên, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, lò phản ứng tại Yongbyon dường như đã được kích hoạt lại trong tháng 7 vừa qua.
“Kể từ đầu tháng 7, đã có những dấu hiệu cho thấy điều đó, bao gồm cả việc xả nước làm mát, nó hoàn toàn trùng khớp với hoạt động của một lò phản ứng”, Wall Street Journal dẫn báo cáo cho hay.
Hồi tháng 6 năm nay, IAEA cũng đã cảnh báo có những dấu hiệu về khả năng diễn ra hoạt động tái chế để tách plutonium từ nhiên liệu lò phản ứng đã qua sử dụng tại Yongbyon. Theo báo cáo mới nhất, thời gian diễn ra quá trình này trong 5 tháng, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 7, cho thấy một lô nhiên liệu đã được xử lý, nhiều hơn so với thời gian cần thiết để xử lý chất thải hay bảo dưỡng.
Triều Tiên đã trục xuất các thanh sát viên của IAEA khỏi nước này vào năm 2009.
Gary Samore, Giám đốc Trung tâm Crown về Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Brandeis, nói với Wall Street Journal rằng, việc tái kích hoạt lò phản ứng Yongbyon dường như cho thấy Triều Tiên đang tăng cường chương trình vũ khí hạt nhân.
Đầu tháng này, bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã lên tiếng cảnh báo các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là một "hành động không được hoan nghênh, tự hủy hoại" đe dọa người dân Triều Tiên và làm tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
"Quân đội Mỹ và Hàn Quốc cuối cùng đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự gây thêm bất ổn. Chúng tôi rất hối tiếc về hành động phản bội của chính quyền Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng phòng thủ và khả năng phủ đầu mạnh mẽ để phản ứng nhanh với bất kỳ hành động quân sự nào", bà Yo Jong nói.
Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un đe dọa: "Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với đe dọa an ninh nghiêm trọng hơn khi phớt lờ những cảnh báo lặp đi lặp lại của chúng tôi và thúc đẩy các cuộc tập trận chiến đấu nguy hiểm".
Trước đó, hồi tháng 5, Triều Tiên cũng gửi thông điệp cứng rắn tới Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi ông cho rằng các chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran “là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Mỹ và an ninh thế giới”.
Chính quyền Tổng thống Biden cho biết, chính sách của họ đối với Triều Tiên là tìm cách tiếp cận ngoại giao và tổ chức các cuộc đàm phán. Hồi tháng 3, có thông tin tiết lộ rằng chính quyền Biden đã nhiều lần cố gắng tiếp cận với phía Triều Tiên nhưng bị phớt lờ.
Joel Wit, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao nhận định với Wall Street Journal rằng việc khởi động lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon cho thấy "chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể bị bỏ qua và cần phải được chính quyền Biden dành sự quan tâm lớn hơn”./.