Ngày 16/10, báo chí Thái Lan đăng nhiều tin, bài phản ánh dư luận của chính giới và xã hội nước này về sự kiện Hội đồng lập pháp quốc gia sẽ tiến hành phiên họp kín vào ngày 17/10 để quyết định có tiến hành việc bãi nhiệm đối với cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom hay không.

30179722_01_big_kkxi.jpg Cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak (Ảnh The Nation)

Ngày 15/10, đại diện các cựu hạ nghị sỹ của đảng Vì nước Thái đã gửi đơn kháng nghị tới Chủ tịch Hội đồng lập pháp quốc gia Pornpeth cho rằng, Hội đồng lập pháp quốc gia không có quyền hạn bãi nhiệm đối với cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom do vi phạm Hiến pháp 2007; vì Hiến pháp này đã bị Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia hủy bỏ và Hiến pháp lâm thời năm 2014 không có điều khoản nào quy định về việc bãi nhiệm các quan chức chính trị.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Hội đồng lập pháp quốc gia một mặt khẳng định quy chế của Hội đồng lập pháp quốc gia cho phép họ tiến hành bãi nhiệm các quan chức chính trị.

Mặt khác, họ cũng cho rằng trường hợp bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị vi phạm Hiến pháp 2007 cần phải được xem xét thận trọng cơ sở pháp lý, vì đây là vấn đề nhạy cảm, đang được dư luận chính giới và xã hội Thái Lan quan tâm theo dõi.

Đặc biệt, nếu các cựu quan chức chính trị bị bãi nhiệm thì họ sẽ khiếu kiện lên Tòa án phản đối Hội đồng lập pháp quốc gia, vì việc bãi nhiệm này khiến các cựu quan chức chính trị bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 05 năm.

Hiện tại trong nội bộ Hội đồng lập pháp quốc gia cũng có những ý kiến khác nhau; trong đó một số ý kiến cho rằng Hội đồng lập pháp quốc gia không có quyền hạn bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị theo Hiến pháp 2007 đã bị hủy bỏ. Điều đó khiến nhiều thành viên Hội đồng lập pháp quốc gia vẫn còn lưỡng lự, chưa thể có quyết định của riêng họ về vấn đề này.

Đáng chú ý, ông Somchai, Thư ký Ủy ban thường trực của Hội đồng lập pháp quốc gia cho biết, trong phiên họp ngày 17/10 của Hội đồng cải cách quốc gia có thể xảy ra hai khả năng: Nếu Hội đồng lập pháp quốc gia khẳng định cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom vi phạm pháp luật thì Hội đồng này sẽ xem xét việc bãi nhiệm trong vòng 30 ngày.

Nhưng nếu đa số các thành viên Hội đồng lập pháp quốc gia thấy rằng hai cựu quan chức chính trị này không vi phạm pháp luật hiện hành, thì Hội đồng lập pháp quốc gia sẽ quyết định không xem xét vụ việc này hoặc chuyển lại hồ sơ cho Ủy ban chống tham nhũng để Ủy ban này chuyển cho Quốc hội mới sau tổng tuyển cử tiếp tục xem xét.

Theo một số chuyên gia pháp luật Thái Lan, việc xem xét bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị dựa theo Hiến pháp năm 2007 đã bị hủy bỏ hoặc dựa vào những quy định không rõ ràng của Hiến pháp lâm thời năm 2014 là không chính đáng và thiếu cơ sở pháp lý, đồng thời việc bãi nhiệm nêu trên sẽ có tác động tiêu cực tới tiến trình cải cách và khôi phục hòa giải đoàn kết dân tộc ở Thái Lan./.