Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vừa tuyên bố cho biết, đã đến lúc nước này phải có một luật riêng về biểu tình nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng cho việc chính quyền quản lý các cuộc biểu tình cũng như quyền và nghĩa vụ của người biểu tình. Hiện cơ quan cảnh sát quốc gia đã đệ trình dự thảo luật và trước khi trở thành luật, cần được Chính phủ lâm thời và Hội đồng Lập pháp quốc gia (tức Quốc hội lâm thời) xem xét thông qua.

anh_1_copy_hcmm.jpgMột người biểu tình đã chết cháy trong ô tô tại cuộc biểu tình biến thành bạo động hồi cuối tháng 11.2013
Hàng loạt cuộc biểu tình chống và ủng hộ chính phủ từ tháng 11/2013 tới trước cuộc đảo chính quân sự hôm 22/5 vừa qua tại Thái Lan đã làm 30 người chết và gần 800 người bị thương.

Khác với các cuộc biểu tình nhằm đòi hỏi lợi ích dân sinh như giảm giá xăng dầu, năng lượng...vv, các cuộc biểu tình đối kháng giữa các nhóm chính trị hay chống đối chính phủ tại Thái Lan gần đây thường dữ dội, biến thành bạo động và làm nhiều người chết và bị thương.

Vấn đề xây dựng luật biểu tình được dư luận Thái Lan chú ý từ hơn 10 năm nay, sau khi xẩy ra hàng loạt các cuộc biểu tình mang tính chính trị từ thời chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra cho đến gần đây nhất là dưới thời chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Nhiều dự thảo luật đã được đưa ra xem xét và gần đây nhất là đưa ra Quốc hội năm 2011, tuy nhiên đều chưa trở thành luật do các biến đổi chính trị liên tục xẩy ra tại nước này. Hiện các cuộc biểu tình tại Thái Lan được người dân thực hiện dựa theo quyền tự do thể hiện chính kiến nơi công cộng mà Hiến pháp quy định./.