Ngày 13/10, báo chí Thái Lan đưa tin, đã có 209 trong tổng số 250 thành viên Hội đồng cải cách quốc gia làm thủ tục nhậm chức; số thành viên còn lại sẽ làm thủ tục nhậm chức từ nay tới ngày 16/10. Theo dự kiến, Hội đồng cải cách quốc gia sẽ chính thức họp phiên khai mạc vào ngày 21/10 tới.
Những thông tin về Hội đồng cải cách quốc gia trong mấy ngày qua cho thấy, đã có bước khởi động tích cực của tiến trình cải cách. Trong phiên họp khai mạc, Hội đồng cải cách quốc gia sẽ bầu ra Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Và trong vòng 15 ngày sau đó, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới của Thái Lan cũng sẽ được thành lập. Các nhân vật là ứng cử viên cho chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng cải cách quốc gia đều là những nhà khoa học kỳ cựu, có tên tuổi và uy tín; sẵn sàng nhận trọng trách được giao.
Theo phản ánh của báo chí Thái Lan, nhiều thành viên của Hội đồng cải cách quốc gia đã bày tỏ tâm huyết sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ vào tiến trình cải cách sâu rộng trên 11 lĩnh vực về chính trị - kinh tế - xã hội của Thái Lan, giúp nước này phát triển bền vững, ổn định trong tương lai.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến của các thành viên Hội đồng cải cách quốc gia cho rằng, tiến trình cải cách không chỉ là chức trách, nhiệm vụ của Hội đồng cải cách quốc gia mà cần phải được sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân Thái Lan.
Đặc biệt, “sản phẩm” quan trọng nhất và là mục tiêu số 1 của tiến trình cải cách là Hiến pháp mới của Thái Lan, đã được các thành viên Hội đồng cải cách quốc gia quan tâm và có ý kiến rằng: Dự thảo Hiến pháp mới phải phản ánh nguyện vọng của đa số người dân Thái Lan, được sự chấp nhận của các phe phái; đồng thời phải có tính khả thi, phù hợp với thực tế.
Giáo sư, tiến sỹ Thienchai Kiranan, ứng cử viên chức Chủ tịch Hội đồng cải cách quốc gia, đã nhấn mạnh, dự thảo Hiến pháp mới cần được thông qua trưng cầu ý dân trước khi ban hành và điều này sẽ tạo ra tiền lệ tốt cho người dân thẩm định đúng đắn những vấn đề cải cách của đất nước.
Tuy nhiên, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan cũng còn những băn khoăn lo ngại về thành phần của Hội đồng cải cách quốc gia và cả Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới; vì các thành viên của những cơ chế này đều do Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia lựa chọn; trong đó nhiều thành viên có thành kiến với đảng Vì nước Thái thân cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Điều đó có thể dẫn tới sự thiếu công tâm, khiến nội dung cải cách bị phiến diện, chỉ nhằm phục vụ một số nhóm lợi ích, nhất là trong lĩnh vực chính trị.
Trong khi đó, Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha cho biết, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã tập hợp ý kiến của tất cả các phe phái làm cơ sở cho tiến trình cải cách. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayuth cũng tuyên bố sẽ vẫn duy trì thiết quân luật trong suốt lộ trình cải cách và ông cũng chưa quyết định liệu có thông qua trưng cầu ý dân đối với Hiến pháp mới hay không. Thủ tướng Prayuth chủ trương phải ưu tiên đảm bảo an ninh, vì lo ngại vẫn còn có một số nhóm hoạt động chống đối chính quyền quân sự.
Một số nhà phân tích chính trị Thái Lan cảnh báo rằng, nếu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia tiếp tục duy trì thiết quân luật; đồng nghĩa với việc hạn chế quyền tự do đóng góp ý kiến của các phe phái, tầng lớp xã hội về nội dung cải cách, nhất là đối với việc soạn thảo Hiến pháp mới, thì những mâu thuẫn chính trị - xã hội cũ sẽ không giảm đi; thậm chí những mâu thuẫn chính trị - xã hội mới lại bùng phát, khiến cho Thái Lan khó có thể khôi phục ổn định và phát triển bền vững như mục tiêu của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đề ra ngay từ khi tiến hành cuộc đảo chính quân sự./.