Sau cuộc họp kín hôm 18/1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục chia rẽ về việc liệu có chuyển các báo cáo tội ác chiến tranh ở Syria sang Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hay không. Trong khi đó, Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng 58 nước tiếp tục gây sức ép và đề nghị xét xử các tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột kéo dài hơn 20 tháng qua ở Syria, cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người.

phien%20quan%20syria%20hanh%20quyet%20tu%20binh.jpg
Phiến quân Syria hành quyết tù binh ngay trên đường phố (Ảnh: Reuters)

Hôm 18/1, 5 nước Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gồm Pháp, Anh, Luxembourg, Áo và Hàn Quốc ra tuyên bố chung hối thúc hội đồng chuyển vấn đề Syria sang Tòa án Hình sự Quốc tế để khởi tố các tội phạm chiến tranh.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant nói: “Lá thư trình lên Hội đồng Bảo an do chúng tôi cùng ký đã nêu rất rõ sự phẫn nộ của chúng tôi trước những gì đang xảy ra ở Syria cũng như sự lo lắng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở đây. Chúng tôi cho rằng điều này phải bị đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế và Hội đồng Bảo an phải đóng vai trò trách nhiệm trong việc này.”

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng này, đồng thời là Đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc, ông Masood Khan cho biết, cơ quan duy nhất có thể chuyển vụ kiện này tới Tòa án Hình sự Quốc tế vẫn đang chia rẽ trong các cuộc tranh luận riêng về việc phải thực hiện như thế nào. Dù vấp phải sự phản đối của một số nước, trong đó có Nga, Đại sứ Vương quốc Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant cho biết, các nước vẫn sẽ tiếp tục vận động để Hội đồng Bảo an chuyển vụ kiện về tội ác chiến tranh ở Syria sang cho Tòa án Hình sự Quốc tế.

Trong khi đó, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pillay tiếp tục khẳng định tại Syria đang diễn ra tội ác chiến tranh và chống lại loại người, đồng thời hối thúc Hội đồng Bảo an mau chóng chỉ thị cho Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra tội ác chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này.

“Dựa trên những thông tin tôi nhận được từ Ủy ban điều tra độc lập quốc tế, tôi cho rằng tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người đang diễn ra ở Syria,” Cao ủy Pillay nói. “Sự việc này cần phải được điều tra thấu đáo. Các nạn nhân của khủng hoảng vẫn đang phải chịu đựng trong khi chúng ta vẫn chưa đưa ra được hành động cụ thể nào để giải quyết tình hình này. Tôi cho rằng Hội đồng Bảo an có thể làm được điều đó, vì thế tôi sẽ tiếp tục hối thúc họ cho đến khi họ chịu hành động.”

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo, bà Valerie Amos cũng bày tỏ lo ngại về tình hình tại Syria, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Bà Amos cũng cho biết, mùa đông khắc nghiệt đang khiến cuộc sống của những người tị nạn Syria ngày càng khó khăn hơn khi không có nơi trú ngụ, lương thực thuốc men… Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc một lần nữa kêu gọi cả chính phủ và phe đối lập tại Syria tạo điều kiện để các đội hỗ trợ quốc tế có thể tiếp cận và giúp đỡ người dân ở đây./.