Trên khắp nước Mỹ và thế giới, phong trào biểu tình ủng hộ người da màu đang hướng tới việc kéo sập các bức tượng và xóa bỏ di sản thuộc về những nhân vật lịch sử được xem là có liên quan tới phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng… Điều này đang gây tranh cãi với các ý kiến trái chiều khi một số người cho rằng những biểu tượng của chủ nghĩa thực dân hiện không còn phù hợp và cần bị xóa bỏ, trong khi số khác cho rằng đây là một phần lịch sử không thể chối bỏ.

buc_tuong.jpg

Ảnh: Reuters

Sau khi người Mỹ gốc Phi George Floyd bị cảnh sát ghì chết tại thành phố Minneapolis (Mỹ) không chỉ diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ khắp nơi trên thế giới mà còn tạo ra làn sóng phá bỏ các biểu tượng của chủ nghĩa thực dân. Từng được đề cao là những con người tiên phong, giờ đây nhiều nhân vật lịch sử được dựng tượng tôn vinh, góp phần tạo dựng thời hoàng kim của châu Âu, đang trở thành mục tiêu tấn công.

Hàng loạt các tượng đài lịch sử đã trở thành mục tiêu tấn công của những người biểu tình mấy ngày qua như ông trùm khai mỏ Nam Phi Cecil Rhodes ở Anh, tượng Thuyền trưởng James Cook ở Australia, tượng Christopher Columbus ở Mỹ hay tượng Vua Leopold II tại Bỉ . Đối với những người ủng hộ chiến dịch này, đây là biểu tượng của sự phân biệt chủng tộc và quyền lực tối cao. Phá bỏ các tượng đài này là "một cuộc đánh giá lại lịch sử và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên toàn cầu". 

Bà Siphiwe Laura Stewart - Đại diện của chiến dịch kêu gọi xóa bỏ tượng đài Cecil Rhodes ở Anh nhấn mạnh: “Các nhân vật lịch sử, bao gồm Vua Leopold,  Cecil John Rhodes, đại diện cho một thời điểm trong lịch sử mà giờ không còn nhiều cộng đồng ủng hộ. Lịch sử đã thay đổi. Chúng tôi đang yêu cầu một biểu tượng công bằng cho lịch sử quốc tế mà đến nay nó vẫn còn giá trị và đại diện cho tất cả mọi người”.

Tuy vậy nhiều ý kiến cho rằng các bức tượng là minh chứng, là lời nhắc nhở của lịch sử và đây là những di sản cần bảo vệ. Tại Anh, sau khi người biểu tình bôi bẩn và viết dòng chữ "Phân biệt chủng tộc" lên tượng đài cố Thủ tướng Winston Churchill, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi đây là "một hành động vô lý và đáng xấu hổ" đồng thời kêu gọi người dân không nên "bóp méo" lịch sử.

“Đây thực sự là một điều đáng buồn khi bức tượng Thủ tướng Winston Churchill, một anh hùng dân tộc bị tấn công. Đối với tôi đây là một quan niệm sai lầm và vô lý. Các cuộc tấn công này chỉ đại diện cho thiểu số và họ đang sử dụng làn sóng chống phân biệt chủng tộc toàn cầu như một cái cớ để tấn công cảnh sát, gây ra bạo lực và làm thiệt hại tài sản công”, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.

Nhiều nhà sử học cũng cho rằng, loại bỏ một đài tưởng niệm không xóa bỏ được lịch sử. Đây là hành động phá hoại nghiêm trọng các công trình văn hóa. Nô lệ là một vấn đề lịch sử và thế giới ngày nay vẫn đang sống với những hệ lụy từ giai đoạn lịch sử phân giai cấp đẩy người da màu xuống đáy xã hội. Tất cả người dân trên thế giới đều phải đối mặt với lịch sử. Thay vì phá bỏ các biểu tượng này, việc bảo vệ các di sản sẽ giúp các thế hệ sau có thể rút ra bài học từ lịch sử để tránh đi vào vết xe đổ./.