Ngày 4/3, người dân Kenya sẽ đi bỏ phiếu để bầu Tổng thống, Hạ viện, Thượng viện, Tỉnh trưởng và Hội đồng địa phương, và một danh sách đại diện nữ đặc biệt. Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên kể từ đợt bạo lực đẫm máu sau bầu cử cách đây 5 năm, là phép thử sự dân chủ của nền kinh tế lớn nhất Đông Phi này.
Xếp hàng ở bên ngoài hòm phiếu. (ảnh: AP) |
Có 8 ứng cử viên tranh cử để trở thành vị tổng thống thứ tư của Kenya thay ông Mwai Kibaki sẽ rời cương vị này sau hai nhiệm kỳ nắm quyền từ năm 2002. Hai ứng cử viên nặng ký là đương kim Thủ tướng Raila Odinga và Phó Thủ tướng Uhuru Kenyatta.
Những khảo sát trước bầu cử cho thấy, có thể không ai chiếm đủ số phiếu trong cuộc bầu cử vòng 1 và hai người dẫn đầu sẽ tiếp tục cuộc đua trong cuộc bầu cử vòng 2 dự kiến diễn ra vào 11/4 tới.
Một chiến thắng vòng 1 sát nút cho bất cứ ứng cử viên nào cũng có thể thổi bùng lên những bất ổn mới tại quốc gia châu Phi này. Vì vậy, bất chấp cam kết của các ứng cử viên tham gia tranh cử hòa bình, nhưng dư luận đang lo ngại cuộc bầu cử có thể gây nên một làn sóng bạo lực và xung đột sắc tộc mới, giống cuộc bầu cử tại nước này năm 2007, làm khoảng hơn 1.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải đi sơ tán. Gây thêm căng thẳng trước thềm bầu cử, các nhóm vũ trang Al Shabaab trong khu vực cũng đưa ra cảnh báo về việc tiến hành các cuộc tấn công.
Không để lặp lại tình trạng đổ máu như sau cuộc bầu cử năm 2007, Tổng thống đương nhiệm Kenya Mwai Kibaki, các ứng cử viên và các tổ chức xã hội đều lên tiếng kêu gọi một cuộc bầu cử hòa bình. LHQ, Mỹ và các nước phương Tây khác cũng hối thúc chính quyền Kenya tổ chức bầu cử tự do và dân chủ.
Một ủy ban bầu cử uy tín gồm nhiều thành phần xã hội đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong quá trình bỏ phiếu để tránh gian lận và tăng cường tính minh bạch. Hàng nghìn cảnh sát cũng được triển khai để duy trì an ninh. Một Ủy ban độc lập được thành lập để điều tra mọi cáo buộc gian lận bầu cử. Có khoảng 22.600 nhà quan sát trong nước và quốc tế tham gia giám sát cuộc tổng tuyển cử. Người phát ngôn Cao Ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Rupert Colville cho biết: “Chúng tôi triển khai một nhóm chuyên gia về nhân quyền tới Kenya trong suốt quá trình bầu cử. Nhóm 4 người sẽ giám sát các vấn đề nhân quyền và hỗ trợ cho Ủy ban nhân quyến quốc gia Kenya cũng như các tổ chức xã hội dân sự”.
Kể từ cuộc bầu cử năm 2007, Kenya giờ cũng đã có Hiến pháp và một hệ thống tư pháp mới, được đánh giá là ít tham nhũng hơn. Lực lượng cảnh sát được củng cố. Nhiều người dân hi vọng với những thay đổi này, chính phủ sẽ có thể giải quyết được những vấn đề trong bầu cử. Ứng cử viên nặng ký Raila Odinga - người từng là đối thủ của ông Kibaki trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2007 cũng cam kết sẽ tôn trọng luật bầu cử. Ông Raila Odinga nói: “Nếu có bất kì điều gì không hay xảy ra chúng tôi sẽ tuân theo các giải pháp hợp pháp. Chúng tôi sẽ tới tòa án. Lần trước chúng tôi không tới tòa án bởi vì không tin tưởng vào hệ thống tư pháp . Tuy nhiên, chúng tôi giờ cũng đã có một hệ thống tư pháp hoàn toàn có thể tin tưởng được. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi người dân bình tĩnh, đi bầu cử hòa bình và kiên nhẫn chờ đợi kết quả”.
Những nước láng giềng Kenya cũng đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử. Những nước này bị tác động không nhỏ bởi tình trạng bạo lực cách đây 5 năm khiến các tuyến đường thương mại qua nền kinh tế lớn nhất Đông phi bị đóng cửa. Người dân một số bang tại Kenya cũng như các nước láng giềng bắt đầu tích trữ dầu và các nguyên liệu khác để đề phòng tình hình hình bất ổn có thể xảy ra./.